Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải giải ngân một số vốn “khổng lồ”, lên đến hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.
Ngày 1.2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án giao thông và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Theo Bộ trưởng, năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch vốn 72.000 tỉ đồng. Tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho Bộ hơn 22.000 tỉ đồng, do đó, Bộ phải giải ngân một số vốn “khổng lồ”, lên đến hơn 94.000 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2 phải tập trung vào 4 vấn đề then chốt.
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.
Thứ hai, công tác GPMB phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, không phải thời gian được Chính phủ ấn định là quý 2/2023. Tuy nhiên, chủ đầu tư/ban QLDA phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động, bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất, đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.
Thứ ba, đối với các dự án, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Cần phải nói thêm, năm nay ngành GTVT không thiếu tiền, chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó.
Thứ tư, các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn, phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, có thể triển khai song song nhiều việc. Ví dụ, vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại, đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới,…”, Bộ trưởng nêu, đồng thời yêu cầu tất cả các nguyên tắc trên phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Tính nhanh phương án giải ngân năm 2023, theo Bộ trưởng, để đáp ứng kế hoạch vốn được giao, bình quân mỗi tháng, Bộ GTVT phải giải ngân một khối lượng “khổng lồ”, khoảng 8.000 tỉ đồng so với mức 2.500 - 3.000 tỉ đồng trong năm 2022.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng cụ thể các chỉ đạo bằng văn bản thông qua Chỉ thị số 02 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2022; Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ nhằm triển khai các dự án. Mục tiêu đáp ứng tiến độ, chất lượng, giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, bảo đảm công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án, báo cáo về Bộ qua Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Vụ Kế hoạch - Đầu tư để theo dõi, chỉ đạo.
Khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án tại Quyết định số 1797 ngày 30.12.2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT theo đúng tiến độ yêu cầu.
Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; Kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.
Các chủ đầu tư, ban QLDA cũng được yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ qua Vụ Kế hoạch - Đầu tư trong tháng 1.2023 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới. Đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Tại Chỉ thị 02, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương tham mưu Bộ giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đáp ứng đủ điều kiện giao kế hoạch.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban QLDA. Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (về trình tự, thủ tục triển khai kế hoạch, trình tự thủ tục thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn...) đối với các dự án phát hiện có vướng mắc, trì trệ trong công tác giải ngân.
Đối với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Đại Ngãi...) và các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm. Nội dung kiểm tra gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kiểm điểm kết quả giải ngân kế hoạch của từng dự án, gói thầu.
Vụ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban QLDA hoàn thiện hồ sơ quyết toán và chủ trì tham mưu quyết toán các dự án hoàn thành, làm cơ sở giải ngân đối với phần vốn chờ quyết toán. Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công.