Chiều tối 26.1 (mùng 5 Tết) tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát lệnh triển khai thi công dự án cải tạo nâng cấp đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Cùng dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ và địa phương.
Phát biểu tại lễ ra quân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, nhà nước và là một trong ba đột phá chiến lược. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Nhiều chính sách, giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã và đang tạo ra hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại trên khắp cả nước.
Vận tải đường sắt còn bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy được thế mạnh vốn có của phương thức vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút so với các phương thức vận tải khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cân bằng của hệ thống giao thông vận tải, chưa kéo giảm được nhiều chi phí logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành quan tâm và xem là một trong những nhiệm vụ về quy hoạch đường sắt giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Bên cạnh cải tạo các đoạn đường sắt hiện hữu phải nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao từ TP.HCM ra Hà Nội và ngược lại.
Thủ tướng đặt giả thiết nếu tuyến đường sắt tốc độ cao khoảng 200km/h từ Hà Nội chỉ nằm ngủ một giấc là đến TP.HCM. Nếu đưa vào khai thác sẽ giảm được áp lực đường hàng không, đường bộ.
Về dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận (GTVT) tải tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tuyệt đối an toàn chạy tàu, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành dự án.
Theo Ban Quản lý đường sắt (Bộ GTVT) dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (giai đoạn 2) được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối tháng 4.2022. Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỉ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Sau hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1, thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án.
Đặc biệt, tại hầm Dốc Sạn, Thủ tướng nhắc lại cách đây 1 năm, trong chuyến công tác xuyên Việt, xuyên Tết, nhà thầu vừa bắt đầu đào qua núi với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay hầm đã thông. Thủ tướng vui mừng, đánh giá cao nỗ lực và kết quả này, ghi nhận doanh nghiệp "nói là làm" và làm có hiệu quả, dự án triển khai nhanh.
Thủ tướng chúc doanh nghiệp ngày càng phát triển theo hướng công nghệ cao, trở thành tập đoàn lớn, làm ăn có lãi trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần huy động nguồn lực xã hội bằng các hình thức hợp tác công tư để phát triển đất nước, nếu chỉ nguồn lực nhà nước thì không đủ, điều quan trọng là tìm điểm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng thắng.
Thủ tướng giao Bộ GTVT xem xét, giải quyết ngay các kiến nghị của doanh nghiệp, nhân rộng các kinh nghiệm, bài học tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng; trong đó có việc công bố bảo hành tuyến đường 10 năm, nếu cần thì sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời, làm tốt phải thưởng, làm không tốt phải phạt.