Bộ KH-CN cho rằng nếu việc phân chia công việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thành nhiều công đoạn cho cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương sẽ khiến quy trình thẩm định bị gián đoạn, không thống nhất…
Khoa học - công nghệ

Bộ KH-CN lý giải việc chưa phân cấp xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cho địa phương

Nhật Anh 17:20 20/09/2024

Bộ KH-CN cho rằng nếu việc phân chia công việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thành nhiều công đoạn cho cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương sẽ khiến quy trình thẩm định bị gián đoạn, không thống nhất…

Cử tri tỉnh Bắc Kạn vừa kiến nghị Bộ KH-CN xem xét quy định phân cấp cho địa phương về công tác đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp văn bằng, giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trả lời nội dung này, Bộ KH-CN cho biết quyền sở hữu công nghiệp là độc quyền và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, không bị chồng lấn quyền, đòi hỏi quá trình xem xét, thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp phải do một cơ quan thực hiện tập trung, theo một quy trình chung.

Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, bao gồm các bước: tiếp nhận đơn, thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung, cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố.

Luật cũng quy định việc thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện.

so-huu-cong-nghiep-la-gi-1-550x413.jpg
Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp - Ảnh: Internet

Theo đó, để cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) phải đánh giá các đối tượng nêu trên theo những điều kiện bảo hộ do pháp luật quy định trên cơ sở so sánh, đối chiếu với nguồn thông tin công khai, và/hoặc với các đối tượng sở hữu công nghiệp trong đơn đăng ký đã nộp/văn bằng bảo hộ đã cấp trước đó.

Do vậy, Bộ KH-CN cho rằng nếu việc phân chia công việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thành nhiều công đoạn cho cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương sẽ khiến quy trình thẩm định bị gián đoạn, không thống nhất…

Theo Bộ KH-CN, thực tiễn trên thế giới, ngay cả những nước phát triển đều chỉ có duy nhất một cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia; và chưa từng áp dụng việc phân cấp xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến các địa phương do tính đặc thù trong quản lý của lĩnh vực này.

Bộ KH-CN phân tích rằng Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phần lớn phải dựa vào cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc, được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống phần mềm quản trị đơn.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý hiện nay được xây dựng và vận hành, quản trị với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong nhiều năm.

Ngoài ra, theo phân tích của Bộ KH-CN, thẩm định nội dung là khâu quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Để có thể thẩm định, đánh giá khả năng bảo hộ một đối tượng sở hữu công nghiệp, thẩm định viên cần được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng xác lập quyền tương ứng.

Bộ KH-CN cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, trong đó có các dự án về cơ sở hạ tầng, CNTT, tăng cường đào tạo chuyên môn cho thẩm định viên…

Từ đó, Bộ KH-CN cho rằng việc phân cấp cho địa phương trong thủ tục xử lý đơn đăng ký đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Bài liên quan
Bộ KH-CN: Nâng mức phạt vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Sửa đổi nâng mức phạt với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Chỉ bàn làm, không bàn lùi!
Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có ý nghĩa quan trọng. Do đó, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ KH-CN lý giải việc chưa phân cấp xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cho địa phương