Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ KH-ĐT sẽ đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp

Lam Thanh | 02/02/2021, 15:00

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp.

Giải ngân đầu tư công ấn tượng

Tại phiên họp Chính phủ ngày 2.2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị tết của người dân. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Tính đến hết tháng 1.2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỉ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Ước giải ngân tháng 1.2021 đạt 15 nghìn tỉ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).

Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2021 cũng có nhiều điểm cần lưu ý.

“Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn.

Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

bo-truong-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Cũng theo Bộ trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, song giảm 3,2% so với tháng 12/2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%.

Nguyên nhân có thể do chu kỳ kinh doanh, khi doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm và tập trung tiêu thụ trong tháng 1. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát sao để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài.

Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.

Thúc đẩy tăng trưởng qua "cỗ xe tam mã"

Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.

Theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp để ứng phó hiệu quả những biến động và vấn đề phát sinh.

Tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.

Kịp thời có phương án hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau tết; tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.

Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, hiện, các địa phương còn rất nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ.

Bài liên quan
Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho 2021, cao nhất 8,0%
Kịch bản 1 (kịch bản cơ sở) tăng 7,5%; kịch bản 2 tăng 8,0% và kịch bản 3 tăng 7,0% cùng hệ thống 236 chỉ tiêu, nhiệm vụ giao về 37 đầu mối.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ KH-ĐT sẽ đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho người dân và doanh nghiệp