Kết quả khảo sát cho thấy việc giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng nhất, tiếp theo là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ luồng đầu tư, đứt gãy chuỗi thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới buộc chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, hồi phục và phát triển kinh tế song song với khống chế và ngăn ngừa bệnh dịch.
Nhằm nhận định được những thời cơ cũng như thách thức, đánh giá sát với thực tế, tư vấn giúp Chính phủ ban hành những chính sách hợp lý, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - thuộc Bộ KH-ĐT) thực hiện khảo sát về bối cảnh và các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn; đề xuất kiến nghị và giải pháp phù hợp giúp kinh tế Việt nam hồi phục nhanh và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu COVID-19.
Theo đó, trung tâm này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam, NCIF đề xuất các mức tăng trưởng GDP cho năm 2021 của Việt Nam từ dưới 5,5% tới trên 7%. Kết quả khảo sát cho thấy, các ý kiến tập trung vào mức dưới 5,5% (chiếm tới 41,5% tổng số phiếu khảo sát được trả lời).
Đề hồi phục nhanh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Trung tâm này đưa ra một số gợi ý như Tiếp tục các gói hỗ trợ kinh tế; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh; Tập trung khai thác thị trường trong nước; Khai thác và phát triển thị trường bên ngoài.
Kết quả khảo sát cho thấy: việc giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng nhất (19/53 phiếu trả lời); tiếp theo là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (15/53 phiếu trả lời).
Ngoài ra, các chính sách kinh tế khác được đề xuất như thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư - là các động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, số hóa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số; khai thác có hiệu quả các thị trường FTAs, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, và thị trường Mỹ.
Đồng thời, Bình ổn giá cả, lãi suất, tỷ giá; Khuyến khích phát triển thương mại điện tử; Cung cấp các gói an sinh xã hội đảm bảo sinh kế cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em; Quảng bá tiêu dùng các mặt hàng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu các mặt hàng có thể tự sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm.
Về những biện pháp cần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam hồi phục sau đại dịch, NCIF đề xuất miễn/giảm/giãn bảo hiểm xã hội; Miễn/giảm/giãn thuế; Hỗ trợ tín dụng, Giảm lãi suất cho vay ở mức thấp; Gia hạn các khoản vay; Cắt giảm các điều kiện/thủ tục cho vay; Hỗ trợ thông tin chính sách và phát triển thị trường.
Kết quả khảo sát cho thấy: biện pháp miễn, giảm, giãn thuế được đánh giá là biện pháp cần thiết nhất trong thời điểm hiện nay (13/53 phiếu trả lời), tiếp theo là hỗ trợ tín dụng và các biện pháp khác.
Ngoài ra, một số ý kiến khác về biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bao gồm: Cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; Tùy từng loại hình doanh nghiệp (to, nhỏ, nhà nước, tư nhân, nước ngoài) sẽ có nhu cầu hỗ trợ khác nhau; Miễn phí công đoàn…
Trung tâm đề xuất các mức tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam từ dưới 5,5% tới trên 7%. Kết quả khảo sát cho thấy, các ý kiến tập trung vào mức dưới 5,5-6% (chiếm tới 41,5% tổng số phiếu khảo sát được trả lời).
Để có thể duy trì tăng trưởng bền vững trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Trung tâm có đề xuất một số khuyến nghị như sau: Đổi mới mô hình phát triển; Phát triển ngành nghề, lĩnh vực mới; Phát triển khu vực tư nhân; Trợ giúp khu vực doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; Cắt giảm thủ tục hành chính; Hỗ trợ tuyển dụng nhân lực; Hỗ trợ thông tin chính sách và phát triển thị trường;
Kết quả khảo sát cho thấy, đổi mới mô hình phát triển được đánh giá là giải pháp hàng đầu; tiếp theo là phát triển khu vực tư nhân và các khuyến nghị khác.
Ngoài ra, ý kiến khảo sát khác về khuyến nghị nhằm duy trì tăng trưởng bền vững giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế; Tăng cường đầu tư, năng lực tiếp cận và ứng dụng CNTT; Tăng năng lực đổi mới sáng tạo để có thể tạo nên đột phá về năng suất lao động và hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR).
Quan trọng nhất là Thực thi đúng chính sách đã đề ra; Làm đúng chức năng quản lý nhà nước nhằm mục tiêu phát triển (có tâm với công việc); Chống tham nhũng...