Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ LĐ-TB-XH đốc thúc các tỉnh nhanh chóng hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19

Lam Thanh | 21/07/2021, 11:00

Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ LĐ-TB-XH vừa có Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

lao-dong.jpg
Nhanh chóng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị tập trung thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 23 theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

UBND các tỉnh cần chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ, nhất là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Sở LĐ-TB-XH các tỉnh cũng cần tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy; có biện pháp phòng, dịch an toàn đối với khách đến thăm.

Ngoài ra, không tiếp nhận đối tượng mới, trường hợp phải tiếp nhận khẩn cấp thì cơ sở phải phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức xét nghiệm, bố trí nơi cách ly theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19; phân công cán bộ, nhân viên luân phiên chăm sóc đối tượng, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở này. Trường hợp để lây nhiễm trong cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trước đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dù ghi nhận nhiều mặt được trong chính sách hỗ trợ thời gian qua, nhưng Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ người mất việc, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2 năm 2021 gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 ngàn người so với quý 1, Bên cạnh đó, trong quý 2 còn có 1,1 triệu lao động thiếu việc làm, tăng 173,5 ngàn người so với quý 1. Đây là những người cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Nhưng theo dự thảo báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì số người thụ hưởng và tỉ lệ giải ngân các gói hỗ trợ thấp, một số quy định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ không sát thực tế, khó thực hiện, các địa phương phải tốn kém thêm thời gian, nguồn lực để triển khai công tác hỗ trợ.

Để tổng kết, đánh giá các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân và các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Lao động - thương binh và xã hội, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đánh giá kết quả các gói hỗ trợ, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và đối tượng khó khăn do dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân và đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Bài liên quan
Người lao động cần nhận diện các 'chiêu trò' lừa đảo, tránh bị chiếm đoạt tài sản
Thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo thường 'đánh' vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn hòng chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ LĐ-TB-XH đốc thúc các tỉnh nhanh chóng hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19