Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho rằng ở Việt Nam như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh “nghiện quản lý”. Đây là nhầm lẫn lớn, quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ.

Bộ máy mắc bệnh 'nghiện quản lý', 'sợ cạnh tranh' khiến hao mòn nguồn lực quốc gia

Trí Lâm | 03/10/2017, 18:06

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho rằng ở Việt Nam như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh “nghiện quản lý”. Đây là nhầm lẫn lớn, quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ.

Sáng 3.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho rằng ở Việt Nam như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh “nghiện quản lý”. Đây là nhầm lẫn lớn, quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ.

Theo ông Tuấn, mục tiêu của pháp luật và chính sách là những gì người dân và doanh nghiệp được hưởng như được sống trong môi trường trong lành, giảm nguy cơ mất an toàn, hay tiết kiệm thời gian, chi phí… Có rất nhiều cách thức để đạt được mục tiêu như điều chỉnh thuế phí, tăng sự giám sát của xã hội, tuyên truyền giáo dục, đào tạo và các giải pháp quản lý từ phía nhà nước chỉ là một trong số các giải pháp.

“Với đầu bài giải quyết các vấn đề của xã hội, của đất nước mà đặt ra các giải pháp quản lý không rõ ràng về mục tiêu thì nguy cơ tạo ra thiệt hại, gây ra hệ luỵ lớn cho xã hội rất cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Vị này cũng dẫn ra nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc quá chú trọng vấn đề quản lý nhà nước, ban hành nhiều các quy định liên quan đến quản lý nhà nước luôn kèm theo các hệ quả là các định chế công hoạt động không hiệu quả và tình trạng tham nhũng phổ biến hơn, trong khi đó lại không đạt được các mục tiêu tốt đẹp về lợi ích công cộng như kỳ vọng.

“Điều này cũng giải thích tại sao Việt Nam không thiếu các văn bản, quy định trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng… tuy nhiên các vi phạm trong lĩnh vực này không giảm bớt, thậm chí có lĩnh vực còn trầm trọng hơn”, ông Tuấn nói.

Chuyên gia này cho rằng, lạm dụng các quy định quản lý có những ảnh hưởng ngược chiều đối với những đối tượng mà nó nhằm bảo vệ. Khi phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về quy định thủ tục hành chính, điều kiện khắt khe, người kinh doanh ít động lực để ra hoạt động chính chức, nhiều doanh nghiệp tại các nước đang phát triển lựa chọn chuyển sang hoạt động trong nền kinh tế ngầm (nền kinh tế phi chính thức).

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng tâm lí “sợ cạnh tranh”, lo cạnh tranh quá nhiều đang có trong tư duy quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành.

"Cạnh tranh là linh hồn của nền kinh tế thị trường, nếu không có cạnh tranh thì không thể có kinh tế thị trường. Nếu nền kinh tế có quy mô càng lớn, cạnh tranh công bằng thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường”, vị này khẳng định.

Theo ông Cung, đối với doanh nghiệp, cạnh tranh là động lực cho những người tham gia thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn phương án tốt nhất cho sản phẩm. Đây cũng là động lực giúp đạt được hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, thúc đẩy, đạt được hiệu quả các nguồn lực đó.

Vị này cho rằng việc cơ quan quản lý sợ cạnh tranh không những khiến nền kinh tế kém hiệu lực, hiệu quả mà còn khiến đất nước hao mòn nguồn lực, tiềm năng quốc gia.

“Rất nhiều nghị quyết, chính sách đưa ra yêu cầu bộ, ngành phải cải cách thể chế kinh tế, phân bổ nguồn lực theo thị trường... Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều rào cản ngăn sự phát triển và cản trở tự do cạnh tranh”, ông Cung nói.

Theo đó, chính sách cạnh tranh có 2 vế. Thứ nhất là Luật Cạnh tranh đảm bảo cạnh tranh công bằng, kiểm soát hành vi độc quyền, loại bỏ hành vì cạnh tranh không lành mạnh. Vế thứ hai là điều chỉnh luật pháp và chính sách để quy mô của cạnh tranh được tăng lên, cường độ tăng lên, tăng phúc lợi xã hội…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hệ thống nhà nước tản quyền, phân tán, thương mại hóa quyền lực khiến doanh nghiệp phải trả kể cả về chính thức lẫn không chính thức. Điều này làm biến chất mối quan hệ nhà nước, doanh nghiệp với xã hội hoặc người dân, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Những cách thức mà chúng ta xử lí chỉ khiến chúng ta tạo thêm sức ì”, bà Lan nói.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng nêu quan điểm, một thị trường cạnh tranh là trong đó có một số lượng lớn các nhà sản xuất cạnh tranh với nhau để đáp ứng những mong muốn và nhu cầu của một số lượng lớn người tiêu dùng.

“Trong một thị trường cạnh tranh, không một nhà sản xuất riêng lẻ nào hoặc nhóm nhà sản xuất nào, và không một người tiêu dùng riêng lẻ nào hoặc một nhóm người tiêu dùng nào có thể ra lệnh, sai khiến thị trường hoạt động như thế nào. Họ cũng không thể đơn phương tự xác định giá cả của hàng hoá và dịch vụ và bao nhiêu sẽ được trao đổi, mua bán”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hoài Phong
Bài liên quan
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ có đơn vị quản lý mới vào cuối tháng 4
Dự kiến cuối tháng 4 này, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ máy mắc bệnh 'nghiện quản lý', 'sợ cạnh tranh' khiến hao mòn nguồn lực quốc gia