Nhiều đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Mới đây, các đại biểu quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).
Hiện các cơ quan quản lý chưa công nhận tiền ảo, tài sản ảo, song theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người chơi tiền ảo đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn, là kênh để tội phạm lợi dụng tài trợ khủng bố.
Theo đại biểu này, tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi tiền bẩn thông qua mô hình bất hợp pháp thành tiền sạch, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo ở các quốc gia khác nhau. Ông chỉ rõ thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
"Tội phạm tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do luật phòng chống rửa tiền chưa có quy định về vấn đề này", ông nêu.
Vì thế, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tiền ảo, tài sản ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Việc này không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền trên thế giới, còn đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm.
Đồng tình với đề xuất này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBlaw cho biết, gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Tại Việt Nam, nhiều đối tượng lợi dụng pháp luật chưa kịp bổ sung các quy định về tiền ảo để lừa đảo, thực hiện rửa tiền thông qua tiền ảo và tài sản ảo khác. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Theo đó, để hạn chế được vấn đề rửa tiền qua các loại tiền ảo, Chính phủ cần có thêm quy phạm pháp luật đối với tội trốn thuế đồng thời khung hình phạt phải nặng hơn nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa đối với hoạt động liên quan đến kinh doanh tiền ảo và các hoạt động rửa tiền của cá nhân, tổ chức trong tương lai.
Ngoài ra, ông Hà cũng đồng tình với việc bổ sung đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền là các tổ chức tài chính được phép cung cấp dịch vụ tài chính tài sản ảo.
Luật sư này cho rằng điều này có thể tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền; đối tượng báo cáo bắt buộc phải xây dựng và triển khai cơ chế phòng chống rửa tiền và tuân thủ các nghĩa vụ phòng chống rửa tiền. Qua đó giảm thiểu rủi ro rửa tiền xảy ra, góp phần làm lành mạnh cho hệ thống tài chính quốc gia.
Thêm nữa, hoạt động phòng chống rửa tiền không chỉ cần trách nhiệm từ phía nhà nước mà còn cần đến sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức tài chính trung gian. Theo đó, các tổ chức tài chính cung cấp tài sản ảo cũng sẽ phải tăng cường trách nhiệm của mình trong các giao dịch.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 tổ chức chiều 3.8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu rất kỹ, toàn diện vấn đề này để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, tiền ảo Bitcoin hay các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam hiện nay.
Ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền và trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới, các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý phải chặt chẽ, không để lợi dụng trong vấn đề rửa tiền hoặc phòng chống khủng bố cũng như các mục đích khác.
Trong việc sửa Luật, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền và trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay cũng như sử dụng công nghệ, Bitcoin, tiền ảo.
Theo ông Đào Minh Tú, Chính phủ sẽ có những văn bản dưới luật như nghị định, quy định về hành vi này để đảm bảo ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, khủng bố, gian lận trốn thuế hoặc thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ.
Ông Tú cũng cho hay, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng dã có những chỉ đạo kịp thời đối với các ngân hàng thực hiện các giao dịch đảm bảo không xảy ra những rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch. Các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc là gian lận trốn thuế…