Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% hiện nay xuống còn khoảng từ 15-17%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%

28/03/2019, 18:51

Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% hiện nay xuống còn khoảng từ 15-17%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% hiện nay xuống còn khoảng từ 15-17% - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Cụ thể, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Tuy nhiên, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách này, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nêu lý do giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết hiện nhiều nước có quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25% nhưng doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%.

Trong khi đó, một số nước như: Hàn Quốc, Hà Lan, Brazil... không có quy định như trên nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh lũy tiến, tức là mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao.

Ví dụ, Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu won đến 20 tỉ won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỉ won. Hoặc, Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 euro thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 euro.

Với Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17% sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Song song đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ tác động tiêu cực nếu giảm thuế và miễn thuế cho doanh nghiệp là có thể giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng/năm, trong đó giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỉ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỉ đồng/năm.

"Việc giảm mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách vào những năm sau", Bộ Tài chính lý giải.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%