Trong bức tranh chi thường xuyên 4 tháng đầu năm nay thì nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên đang chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

Bộ Tài chính lên tiếng việc ngân sách thu 3 đồng, tiêu 2 đồng, còn lại trả nợ

26/05/2018, 16:55

Trong bức tranh chi thường xuyên 4 tháng đầu năm nay thì nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên đang chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

Chi thường xuyên tăng cao đang là vấn đề đáng lo ngại trong tình hình quản lý ngân sách nhà nước hiện nay - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính vừa công bố Báo cáo về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2018. Theo đó 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỉ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỉ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi. Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh chi 4 tháng đầu năm nay khá “tối” khi chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng, trong khi chi đầu tư lại giảm so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi đầu tư phát triển thường chậm (do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của Tết Nguyên đán); chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

Qua kết quả thực hiện 4 tháng, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước, Bộ Tài chính cho là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trong khi đó, đánh giá về chi tiêu công của Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng chi ngân sách của Việt Nam đang tiếp tục tăng cao. Trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (70% tổng chi ngân sách hàng năm, thậm chí có năm lớn hơn). Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn cho NSNN. WB đánh giá chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn (theo quy định của Việt nam).

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. Đại diện WB cho rằng, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Trước lo ngại về vấn đề bền vững tài khóa của WB, Bộ Tài chính cho biết cơ bản đồng tình với nhận định của WB về việc nợ công Việt Nam có xu hướng tăng cao trong một số năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2011 - 2015. Theo Bộ Tài chính, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn này, chủ yếu là do bội chi ngân sách Nhà nước còn cao. Trong khi đó Chính phủ vẫn phải huy động vốn trái phiếu cho các công trình, dự án trọng điểm.

Trong điều kiện còn thâm hụt ngân sách thì đương nhiên nợ của Chính phủ sẽ tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ gốc do đó cũng tăng lên. Mặt khác, trong giai đoạn 2011-2014, thị trường trái phiếu trong nước còn chưa phát triển, thanh khoản thị trường chưa cao nên Chính phủ phải huy động trái phiếu kỳ hạn ngắn, lãi suất cao, dẫn đến áp lực trả nợ lớn trong các năm cũng dẫn đến áp lực trả nợ trong các năm 2015, 2016 và 2017.

Bộ cũng lưu ý một trong những nguyên lý căn bản được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước cũng như tại Luật Quản lý nợ công, Chính phủ chỉ đi vay để bù đắp thâm hụt ngân sách cho đầu tư phát triển, không vay nợ cho chi thường xuyên. Trong khi nhu cầu vốn đầu tư của khu vực công còn lớn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng cho đất nước thì việc vay nợ là cần thiết. Tuy nhiên, phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí. Điều này cũng được Đảng, Quốc hội chỉ ra và cần thiết phải có biện pháp để cải thiện, cụ thể là cần cải thiện hơn nữa hệ số ICOR.

Bộ Tài chính cũng hoàn toàn đồng tình với nhận định của WB là: mặc dù tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép và nếu tính theo chuẩn mực quốc tế thì cũng tương đương với các nước có cùng trình độ phát triển và bình quân các nước trong khu vực, song nếu xu hướng tăng nợ công tiếp tục tăng như trong một số năm vừa qua thì có thể Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro về tính bền vững nợ.

Trong thời gian tới, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách còn cao (năm 2018 là 3,7%GDP) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài. Để thực hiện việc huy động vốn trong bối cảnh kiểm soát an toàn nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, Bộ Tài chính đề xuất cần tiếp tục triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, cụ thể:

Khẩn trương xây dựng và ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật quản lý nợ công. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 06 Nghị định, các Nghị định này đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ, dự kiến ban hành trong cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, đảm bảo thực thi từ 1.7 tới.

Đầu tư từ nguồn vốn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa để từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá.

Xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung dài hạn; tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; Điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ công cần đảm bảo dư địa dự phòng rủi ro tiềm ẩn.

Việc giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (hạn mức được Quốc hội quy định không quá 300 nghìn tỉ đồng giai đoạn 2016-2020).

Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm dư nợ Chính phủ, nợ công; Chủ động cân đối nguồn vốn vay trong và ngoài nước theo hướng tối ưu hóa chi phí vay trước bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không còn khả năng tiếp cận vốn vay ODA với ưu đãi cao như trước đây...

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính lên tiếng việc ngân sách thu 3 đồng, tiêu 2 đồng, còn lại trả nợ