Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk trong năm nay. Tuy nhiên Vinamilk như cô gái đẹp nên lần đầu tiên mang đi bán phải xem xét, không thể bán hết, bán rẻ được mà phải lựa chọn phương án có hiệu quả nhất.
Không thể bán rẻ Vinamilk!
Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch thoái vốn nhà nước tại 10 tổng công ty - công ty lớn, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề này.
Theo đó, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đối với 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, Bảo Minh... đang do SCIC quản lý, đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thoái vốn trong năm nay và năm sau.
"Đối với Vinamilk, theo kế hoạch thì trong năm nay SCIC sẽ thoái toàn bộ vốn;9 doanh nghiệp còn lại Chính phủ cũng đã yêu cầu các chủ sở hữu phải lên kế hoạch thoái vốn trong năm 2016 - 2017. Trình tự phải công khai minh bạch, đúng quy định, để đảm bảo quyền lợi nhà nước và nhà đầu tư, trong đó, đảm bảo lợi ích nhà nước là lợi ích cao nhất", ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk phải tránh gây biến động trên thị trường. Bởi Vinamilk là doanh nghiệp lớn, nếu thoái vốnđồng loạt sẽ ảnh hưởng đến việc thoái vốn ở các doanh nghiệp còn lại.
"Cái ngon nhất mà mình bán hết năm nay thì năm sau thị trường èouột, không hay. Bán như thế nào thì giao cho chủ sở hữu quyết định dưới sự giám sát của bộ ngành để làm sao hiệu quả nhất và tránh gây biên động trên thị trường", ông Đặng Quyết Tiến nhận định.
Ông Tiến cũng ví von Vinamilk như cô gái đẹp nên lần đầu tiên mang đi bán thì phải xem xét , không thể bán hết, bán rẻ được mà SCIC phải lựa chọn phương án để có hiệu quả.
"Phải thuê tư vấn đánh giá lại, tổ chức đấu giá, lấy giá trên thị trường chứng khoán để tham khảo đưa ra giá khởi điểm và có sự giám sát chặt chẽ của các bộ ngành mới đảm bảo được giá hợp lý nhất", Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Định giá Vinamilk phảitương ứng với những thương hiệu khu vực, quốc tế
Liên quan đến việc định giá Vinamilk và các phương án chào bán cho nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, không thể chỉ bán cổ phần Vinamilk cho nhà đầu tư trong nước mà phải chào bán cho cả nhà đầu tư nước ngoài.
Lý do theo ông Đặng Quyết Tiến vì quy mô của Vinamilk rất lớn, vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã đạt mức trên 209.000 tỉ đồng, là một trong những doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Nếu tung ra thị trường trong nước thì không thể hấp thụ hết được mà phải có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Ai trả giá cao nhất thì bán, chứ không thể bán rẻ được", ông Tiến nói.
Với việc định giá Vinamilk, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, muốn định giá Vinamilk một cách chính xác thì đơn vị tư vấn phải đủ trình độ. Bởi lẽ Vinamilk là một doanh nghiệp phát triển rất tốt về quản trị nên thương hiệu rất có giá trị.
"Trên thị trường chứng khoán, giá trị thương hiệu là một phần, ngoài ra còn có tầm nhìn, giá trị tương lai. Nếu dựa vào thị trường chứng khoán thì chưa đánh giá hết được, nên phải có các nhà tư vấn đủ trình độ để định giá.
Vinamilk không còn là thương hiệu Việt Nam nữa mà đã là thương hiệu khu vực, thậm chí sang cả Mỹ. Nên định giá Vinamilk thì phải so sánh với những nhãn hiệu, công ty ngoại mang tầm vóc khu vực, quốc tế. Để làm được điều này thì rõ ràng tư vấn quốc tế mới định giá được", ông Tiến nhận định.
Duyên Duyên