TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc công khai thông tin của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm trễ một phần do các bộ trưởng với tư cách là đại diện chủ sở hữu đã quên đi trách nhiệm chủ đầu tư của mình.

Bộ trưởng có phần trách nhiệm khi các DNNN ‘phớt lờ’ công bố thông tin

Trí Lâm | 31/10/2016, 10:06

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc công khai thông tin của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm trễ một phần do các bộ trưởng với tư cách là đại diện chủ sở hữu đã quên đi trách nhiệm chủ đầu tư của mình.

Theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, DNNN phải định kỳ công bố các thông tin như: Chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm; Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm; Báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng…

Tuy nhiên, dù có quy định rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “phớt lờ” việc công bố thông tin. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31.7.2016, trong số 31 tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước phải thực hiện công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các nội dung quy định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp không công bố thông tin đúng với quy định sẽ ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng công bố thông tin là về tình hình tài chính, cơ cấu và sắp xếp lại DNNN, do đó việc chậm trễ công bố thông tin ảnh hưởng đến kế hoạch tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các DNNN trực thuộc bộ, ngành.

Trước tình trạng này, ngày 10.10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18.9.2015 của Chính phủ về công bố thông tin của DNNN. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin thì lập danh sách và đề xuất xử lý.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc công khai thông tin của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm trễ một phần do các bộ trưởng với tư cách là đại diện chủ sở hữu đã quên đi trách nhiệmchủ đầu tư của mình.

Theo ông Cung, công khai minh bạch là yêu cầu hàng đầu trong quản trị công ty. Kỷ luật, kỷ cương đang bị xem nhẹ, các “ông chủ” ở trên không hành động thì bên dưới cũng không có hành động gì.

Thứ hai, ông Cung cho rằng cần đi sâu hơn nữa, lý giải tại sao người ta không công bố? Ở đây có thể lâu nay người ta không có thông tin mang tính hệ thống. Như vậy các tập đoàn, tổng công ty cần phải nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin để công bố.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để thực hiện tốt việc công bố thông tin cứ áp dụng theo nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán, ai không công bố cứ phạt tiền và nêu lên báo chí. Nếu vi phạm nhiều lần cũng nên tính đến chuyện cách chức bãi miễn, nhất là người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin.

“Người đầu tiên chịu trách nhiệm là bộ trưởng ngành mà đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp” – ông Cung nhấn mạnh.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới,luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết, trường hợp có sự vi phạm về công bố thông tin thì Điều 23 Nghị định 81/2015/NĐ-CP cũng đã quy định rõ các hình thức xử lý.

Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về công bố thông tin của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công khai danh sách các doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng có phần trách nhiệm khi các DNNN ‘phớt lờ’ công bố thông tin