Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nhiều nông thôn được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hóa”, nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nhiều nông thôn mới vô hồn bởi những khối bê tông 'đồng phục hóa'

Hoài Lam | 17/12/2022, 11:50

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nhiều nông thôn được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hóa”, nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê.

Chia sẻ góc nhìn về giá trị của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại "Hội thảo văn hóa 2022", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân dần cải thiện.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cho rằng bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới, nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ, thì nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hóa”.

“Nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê; những hàng cây xanh, luỹ tre làng bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái”, ông Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Hoan, tại hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”. Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên.

hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể. Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đều tạo ra cảm xúc cho người làng.

“Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên “phép nước”, giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện”, ông Hoan nêu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông thôn không chỉ là không gian vật chất mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, nông thôn cần được xem là một miền di sản. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc.

Dẫn lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết về nông thôn “mẹ tôi là nông dân, và tôi sinh ra ở nông thôn” và câu thơ “khi ta ở, chỉ là nơi đất ở - khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống...

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay, qua thực tế nghiên cứu, bà thấy rõ những cái hạn chế trong việc áp dụng một bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, cho tất cả các tộc người.

"Việc chưa thực sự linh hoạt cho sự chen vào trong các tiêu chí nông thôn mới của các đặc trưng văn hóa địa phương, các tri thức của các cộng đồng tộc, người địa phương thì đã xảy ra tình trạng bất cập", bà Châm nói.

cham.jpg
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm nêu dẫn chứng, khi áp dụng một tiêu chí như tiêu chí nhà ở 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) mà Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra thì các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người sẽ có nguy cơ biến mất dần.

Theo đó, “người dân sẽ cũng sẽ tự ti với những vấn đề mà chúng ta đặt ra như hiện đại, văn minh và người dân tự ti với văn hóa của họ. Người ta cho rằng ngôi nhà của mình không còn đáp ứng được tiêu chí về văn minh và hiện đại nữa. Trong khi đó, ví dụ như ngôi nhà Trình Tường thì đấy là ngôi nhà mà ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và gắn kết bao nhiêu tri thức liên quan đến thờ cúng, đến văn hóa nhưng mà dần dần thì sẽ bị phá bỏ bởi vì nó không phù hợp với các tiêu chí hay là một cái tiêu chí khác áp dụng cho tất cả các vùng miền”.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm cũng nêu dẫn chứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp ở trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát nhiều địa phương, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy rằng, những bức tường đá rất đẹp thì bị phá hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp.

Qua phân tích, bà Phương Châm cho rằng việc áp dụng một mô hình, một bộ tiêu chí cho tất cả thì sẽ có nguy cơ là các hệ thống tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, các tộc thiểu số và các địa phương bị mất đi trong quá trình mà chúng ta thực hiện các tiêu chí đó. Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc khi nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nhiều nông thôn mới vô hồn bởi những khối bê tông 'đồng phục hóa'