Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2016, đại diện Chính phủ đã thông tin hàng loạt vấn đề như những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, quy trình xả lũ của thủy điện Hố Hô… đến báo chí.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Tiếp tục làm rõ sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh’

Trí Lâm | 29/10/2016, 19:46

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2016, đại diện Chính phủ đã thông tin hàng loạt vấn đề như những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, quy trình xả lũ của thủy điện Hố Hô… đến báo chí.

Làm rõ sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh

Trả lời báo chí về phương hướng xử lý đối với những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm với tinh thần quyết liệt, minh bạch nhất.

Ngày 24.10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) có kết luận về những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng như các cơ quan liên quan. Qua đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vấn đề điều động cán bộ liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, đến Bộ Công Thương.Tổng bí thư yêu cầu cần phải làm rõ, công khai, minh bạch trước công chúng.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã họp và giao cơ quan chức năng làm rõ việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.

Còn vấn đề khởi tố hay không khởi tố, theo ông Dũngcần phải tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

“Với tinh thần chỉ đạo chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, tự diễn biến các cơ quan hành pháp sẽ vào cuộc quyết liệt, minh bạch khi có kết quả sẽ thông tin với báochí” – ông Dũng nói.

Nói tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc những kết luận của UBKTTW.

Thứ 2 sẽ báo cáo về thủy điện Hố Hô

Về những vấn đề liên quan đến thủy điện Hố Hô (giáp ranh Hà Tĩnh và Quảng Bình) trong đợt ngập lụt vùa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngày 13-15.10, các khu vực miền Trung có đợt mưa lớn. Theo số liệu của các trạm thủy văn đo được, lượng mưa khoảng 500-1.300mm. Địa hình miền Trung dốc, sông ngắn nên đã gây ra hiện tượng ngập lụt trên diện rộng, nặng nhất ở Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Về những vấn đề liên quan đến xả lũ của thủy điện Hố Hô, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với nhà máy, chính quyền địa phương, hỏi thăm các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ. Theo thông tin ban đầu, thủy điện Hố Hô đã có những sai sót nhất định trong việc chấp hành các quy định vận hành hồ chứa, quản lý tài nguyên nước.

Sáng thứ 2, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng về việc vận hành thủy điện Hố Hô trong những ngày mưa lũ, sau khi thống nhất với Bộ TNMT, UBND tỉnh Hà Tĩnh.

“Nếu cần thiết thì điều chỉnh lại quy trình vận hành hồ chứa để phù hợp với địa hình của khu vực này, để việc vận hành hồ chứa tác động ít nhất đến hạ du trong những ngày mưa lũ” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói

Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nước ta có tiềm năng thủy điện lớn, có thể khai thác được khoảng 25.000MW công suất và điện năng khoảng 100 tỉ kWh/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần khai thác hợp lý.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27.11.2013 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và đã loại bỏ được 471 dự án thủy điện không hiệu quả, có tác động lớn đến môi trường.

Quan điểm của Chính phủ là phải rà soát việc quản lý, vận hành thủy điện trên phạm vi cả nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, đồng thời tăng cường giám sát công tác vận hành của các nhà máy thủy điện

“Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc vận hành xả lũ của thủy điện Hố Hô, chấn chỉnh kịp thời sai pham (nếu có)” – ông Mai Tiến Dũng nói.

Thanh tra việc bổ nhiệm tại Hải Dương

Trả lời báo chí về việc đề bạt công chức tràn lan, bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo trong chính quyền, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 672, tiến hành thanh tra đột xuất tại Sở Lao động – thương binh và xã hội Hải Dương, thời hạn thanh tra trong 45 ngày, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát lại Luật Công chức để sửa đổi, bổ sung để quản lý chặt chẽ, khắc phục những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ.

“Ai có đủ đức, đủ tài thì đều được sử dụng và đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Nội vụ là chọn người tài chứ không chọn người nhà” – ông Tuấn nói.

Liên quan đến việc bổ nhiệm hàng loạt nhân sự trước khi về hưu của ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, ông Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra, khi có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.

Kiểm soát chỉ tiêu nợ Chính phủ

Vừa qua, tại phiên họp của UBTVQH, Chủ nhiệm UB Tài chính – ngân sách cho biết Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% lên 55%. Tuy nhiên, đa số ý kiến thẩm tra đều phản đối điều này.

Theo Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại báo cáo số 464/BC-CP ngày 19.10.2016 về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong các năm 2016-2019. Đây là một thực tế do huy động của Chính phủ phải đảm bảo bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và chi cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP.

Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không vượt quá 55%GDP cũng hợp lý giữa các cơ cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ địa phương.

Cũng tại báo cáo đang trình Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng các mục tiêu nhằm kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, cụ thể:

Kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ trượt giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước; đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công, đảm bảo dự phòng rủi ro phát sinh; cắt giảm mạnh bảo lãnh của Chính phủ, kiểm soát chặt bội chi và nợ chính quyền địa phương, ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; nâng cao hiệu quả đầu tư côn; tái cơ cấu nợ công…

Trí Lâm

Bài liên quan
Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16.4.2024 quy định về hoạt động lấn biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Tiếp tục làm rõ sai phạm liên quan đến Trịnh Xuân Thanh’