Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Hoài Lam | 03/03/2023, 12:58

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Mặc dù so với cùng kỳ, lạm phát tăng cao những tháng cuối năm 2022, nhưng 2 tháng đầu năm 2023 lạm phát đã được kiểm soát ở mức phù hợp. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2.2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1.2023 (tăng 4,89%); khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao.

Ông Dũng cũng cho hay thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước.

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Về việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỉ đồng, trong đó: Cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.056 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.185 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỉ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỉ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 52.623 tỉ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỉ đồng.

Về kết quả nói trên, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho hay các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao (IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%...).

"Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

“Tình hình đó yêu cầu cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ ngành, địa phương phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%)…

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm; dự báo sát tình hình sắp tới, chỉ ra những thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời để vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải.

Thủ tướng nhắc tới một số vấn đề trên thế giới tác động tới tình hình trong nước như lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, Fed đã phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cũng đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số
Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, sáng 26.3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn