Về mức phạt đưa thông tin giả, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mức phạt tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới thì chỉ bằng 1/10.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mức phạt tin giả tăng gấp 3 nhưng chỉ bằng 1/10 các nước

Lam Thanh | 04/11/2022, 10:20

Về mức phạt đưa thông tin giả, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mức phạt tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới thì chỉ bằng 1/10.

Sáng 4.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đối với 4 vấn đề.

Cụ thể: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Mức phạt tin giả tăng gấp 3 nhưng chỉ bằng 1/10 các nước

Trả lời về tình trạng lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ TT-TT đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để xử lý một cách căn bản, Bộ đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ cac hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.

“Về mức phạt đưa thông tin giả, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ TT-TT sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe”, ông Hùng nói.

hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng Hùng cho rằng giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Các tờ báo cần đi vào vấn đề nóng, không chỉ khen 1 chiều

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nói rất hoan nghênh quan điểm thông tin xấu độc ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy. Tuy nhiên, ngoài đời quản lý theo lãnh thổ còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm "thì chẳng khác gì khi phòng chống COVID-19 chúng ta chỉ cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang".

"Giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vắc xin. Cần làm sao để người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Chúng ta cần nhiều thứ để công chúng nghe, xem, đọc những thông tin hay, có tính phản biện mang tính thuyết phục cao", ông Nghĩa nói.

Ông cũng cho rằng các tờ báo cần được khuyến khích đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ, trách nhiệm không né tránh, "chứ không phải khen một chiều mới là hay, bởi thực tế thuốc bổ uống nhiều cũng sẽ gây ngộ độc".

"Bộ trưởng nói sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần sau 5-10 phút thì thông tin độc hại lan rất rộng rồi. Nên quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mà mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo rất vất vả", ông Nghĩa nêu.

nghia.jpg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Nhất trí với quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng nêu quan điểm, trên không gian mạng, tin xấu độc giống không khí, tin xấu độc nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não.

“Ai quản lý cái gì trong đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng, như lĩnh vực công thương quản lý hàng hoá... như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh”, ông Hùng nói.

Bộ hiện đang đề xuất với Bộ GD-ĐT đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.

Vì sao 'Chương trình sóng và máy tính cho em' chậm triển khai?

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đặt vấn đề, nguyên nhân và trách nhiệm không triển khai được chương trình máy tính cho em?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành về chương trình máy tính cho em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình 1 triệu máy tính cho em thì có 600 nghìn máy tính bảng cho em là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay là 500 nghìn máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa. Chúng ta cũng đã tổ chức đánh giá hiệu quả của các máy tính đưa đến các em.

Bộ TT-TT đang làm việc với Bộ GD-ĐT để thống nhất thời điểm đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19.

Trả lời câu hỏi về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu cả người lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người.

Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số.

“Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số”, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng.

huan.jpg
Đại biểu Lý Văn Huấn chất vấn bộ trưởng

Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn về nền tảng số, Bộ trưởng nêu rõ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột của chuyển đổi số Việt Nam.

“Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài khi đó dữ liệu bị thu thập. Mà dữ liệu số thì được gọi là tài nguyên”, ông Hùng nói.

Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mức phạt tin giả tăng gấp 3 nhưng chỉ bằng 1/10 các nước