Bộ trưởng cho biết, tin độc chủ yếu trên mạng xã hội nền tảng nước ngoài như Google, Facebook. Hiện nay đã làm việc thường xuyên với hai nền tảng này, mục tiêu đặt ra là tuân thủ pháp luật, yêu cầu có thể tìm ra danh tính các tài khoản.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả

Bùi Trí Lâm | 08/11/2019, 10:19

Bộ trưởng cho biết, tin độc chủ yếu trên mạng xã hội nền tảng nước ngoài như Google, Facebook. Hiện nay đã làm việc thường xuyên với hai nền tảng này, mục tiêu đặt ra là tuân thủ pháp luật, yêu cầu có thể tìm ra danh tính các tài khoản.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 8.11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng.

Xử lý thế nào với thông tin xấu, độc?

Về câu hỏi của đại biểu Nhường, câu chuyện tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Hùng cho biết điều này mang tính toàn cầu, không chỉ ở nước ta. Điểm chínhđầu tiên là hành lang pháp lý ta đã có là luật an toàn mạng, luật an ninh mạng. Nhưng tất cả các quốc gia đều có pháp luật xử lý riêng về tin sai.

Trong Asean đã có Singapore đã xử lý tin giả. Rất nghiêm minh và có tính răn đe, không phải phạt vài chục triệu mà có thể đi tù đến vài năm, vài chục năm. Ở một số quốc gia thì người đứng đầu mạng xã hội cũng có thể đi tù. Việt Nam sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả.

Bộ trưởng cho biết, tin độc chủ yếu trên mạng xã hội nền tảng nước ngoài như Google, Facebook. Hiện nay đã có làm việc thường xuyên với hai nền tảng này, mục tiêu đặt ra là tuân thủ pháp luật, yêu cầu có thể tìm ra danh tính các tài khoản.

Vấn đề thứ hai là nền tảng phải có công cụ tự động tin xấu độc phải tự động xóa bỏ. Thứ ba là hợp tác gỡ bỏ tin xấu độc. Tin xấu độc có khi từ chính chúng ta mà ra. Nên cần giáo dục để tuyên truyền, từ cấp độ giáo dục phổ thông, cần có kỹ năng ứng xử, có cái đúng cái sai.

“Nếu chúng ta đọc một tin xấu thì đã nuôi tin xấu đó và nó lan ra. Mỗi một view là quảng cáo tăng lên, chính chúng ta nuôi tin đó”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Bộ trưởng nói thông tin xấu độc, tin giả trên mạng thì người dùng tốt nhất là đừng xem. Tuy nhiên, những người sử dụng mạng nếu không đọc thì làm sao biết nó là xấu, độc. Vấn đề là người đọc làm thế nào để tự bảo vệ mình, phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai sự thật.

Về vấn đề này, Bộ trưởng nói rằng, chúng ta xem một lần, vài lần thấy thông tin không đúng thì nên thể hiện thái độ. Trong các thông tin trên mạng xã hội thì thường có phần dislike, chúng ta nên thể hiện thái độ bằng việc đó.

Về bí mật thông tin cá nhân, Bộ trưởng cho biết “như tôi cách đây 1 tháng đi làm cái kính, thì cửa hàng cũng đề nghị điền thông tin cá nhân như số điện thoại, nhà... chúng ta đi mua cái gì thì cũng điền thông tin cá nhân. Dễ dãi trong cung cấp thông tin cá nhân”.

Theo Bộ trưởng, chưa có quy định về các doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân này được làm gì. Sẽ phải có nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Chính phủ đã giao việc này. Vấn đề đời tư bị khai thác thì đã quy định rõ trong luật báo chí.

Bộ trưởng Hùng cũng nêu, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100 thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google nếu ta yêu cầu 100 họ chỉ chấp hành khoảng 40-50%, nhưng nay tăng lên 85%, thậm chí 90%, ví dụ gỡ các game xấu độc như đánh bài”, Bộ trưởng thông tin cho hay.

Ông cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Tạm thời không cấp phép mới cơ quan báo chí

Về công tác quản lý báo chí, Bộ TT-TT cho biết, tính đến nay cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương…

Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.600 người (phát thanh, truyền hình 17.600 người; báo in, báo điện tử 24.000 người). Bộ TT-TT cũng đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.

Thời gian qua, trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm thời không xem xét cấp phép mới cơ quan báo chí. Chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt đông thực hiện thêm loại hình báo chí, số liệu cơ quan báo chí thay đổi không nhiều.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ TT-TT đã nhận và xử lý 450 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí. Đến ngày 30.10.2019, chỉ riêng đường dây nóng của Cục Báo chí đã tiếp nhận gần 1.834 cuộc điện thoại và 300 thư điện tử; khoảng 20 trường hợp phản ánh phóng viên sách nhiễu (chiếm khoảng 1%).

Cục Báo chí đã kịp thời thông báo để các cơ quan báo chí kiểm tra, quản lý phóng viên tác nghiệp tại địa phương. Bộ TT-TT thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý phóng viên, cộng tác viên; cung cấp thông tin cho Hội Nhà báo Việt Nam để xem xét, xử lý về đạo đức nghề nghiệp.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về báo chí, Bộ TT-TT cho biết, đến hết tháng 10.2019, đã xử lý 24 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 580 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép 3 trường hợp.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT đã yêu cầu lãnh đạo một số tạp chí điện tử có nhiều sai phạm hoặc có nhiều phản ánh về biểu hiện sai phạm tham gia giao ban báo chí hàng tuần để Ban và Bộ nhắc nhở, chấn chỉnh.

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí.

“Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Về công tác quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Bộ TT-TT cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định 72 có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động thông tin điện tử tổng hợp, hay mạng xã hội đều phải có giấy phép.

Khi hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội, tổ chức, danh nghiệp đều phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, hoạt động quản lý thông tin, nhân sự, tên miền… Bên cạnh đó, các đơn vị đều phải tuân thủ quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại Nghị định 72.

Hiện Bộ TT-TT đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các trang TTĐT tổng hợp đối với các doanh nghiệp và cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc. Đối với các trang đã cấp phép, sẽ thực hiện tổng rà soát ngay trong những tháng tới để chấn chỉnh các vi phạm về “báo hóa”, về quảng cáo, về tổng hợp thông tin, về bản quyền nội dung. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dừng tên miền kết hợp với xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.

75 triệu dữ liệu người dân đã được đưa lên mạng
Trả lời đại biểu về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng Hùng cho biết hiện nay có khoảng 5 cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính nền tảng quốc gia, thì 3 Cơ sở dữ liệu tương đối ổn còn hai cơ sở dữ liệu bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai.

Về cơ sở dữ liệu dân cư, trong tháng 10 vừa qua, trực tiếp Bộ trưởng Bộ TT-TT đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về dự án này.

“Chúng tôi đã bàn bạc và tìm ra một giải pháp và cách thực hiện. Hiện nay dự án đã được phê duyệt, đã được đưa vào dự án đầu tư công trung hạn và bắt đầu có ngân sách rồi. Thực ra, Bộ Công an cũng đã triển khai. Hiện nay 75 triệu dữ liệu người dân đã được quét, đưa lên mạng, đã được đưa vào trong hệ thống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ tích cực. Chúng tôi đặt ra mục tiêu cố gắng đến năm 2020 dự án về cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh”, ông Hùng nói.

Về dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm ra một giải pháp. Trước đây, chúng ta nghĩ nó là một dự án rất lớn. Hiện nay tư duy theo hướng làm thành 1+ 63, tức là có 63 địa phương và có phần tập trung.

Về tiến độ, Bộ trưởng cho biết, năm nay sẽ hoàn thành thiết kế sơ bộ, tiêu chuẩn kết nối, và một số nền tảng để đầu năm 2020 là cả 63 tỉnh và cơ quan Bộ, cơ quan Trung ương triển khai đồng loạt.

Bộ trưởng chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng, với sự vào cuộc trực tiếp như thế này cũng là một kinh nghiệm tốt. Đó là khi gặp một vấn đề chậm trễ hoặc một vấn đề khó khăn gì đấy thì tốt nhất trực tiếp vào cuộc và những lúc khó khăn phải trực tiếp là người đứng đầu

Lam Thanh
Bài liên quan
Cần Thơ: Lãnh đạo Quốc hội thăm và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 12.1, tại TP.Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ sớm có chế tài xử lý vấn đề tin giả