Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết một số dự án bất động sản hiện đang có mức giá cao, cần giảm giá hợp lý. Khi đó người dân sẽ bỏ tiền vào mua, cũng góp phần giúp DN vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Một số dự án BĐS giá đang cao, chủ đầu tư nên hạ giá hợp lý

Hoài Lam | 01/12/2022, 17:33

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết một số dự án bất động sản hiện đang có mức giá cao, cần giảm giá hợp lý. Khi đó người dân sẽ bỏ tiền vào mua, cũng góp phần giúp DN vượt qua khó khăn.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1.12, trả lời câu hỏi của báo chí về Tổ công tác bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản có biến động, nổi lên một số vất đề như nguồn cung có chiều hướng giảm; hoạt động giao dịch bất động sản có trầm lắng, tính thanh khoản giảm.

Đồng thời, tình hình các doanh nghiệp bất động sản có khó khăn như một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản, dẫn đến một số doanh nghiệp cho công nhân lao động tạm nghỉ việc.

Trước khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. 

Sau khi tổ công tác thành lập, tổ đã họp và triển khai ngay các chương trình, kế hoạch, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn, vướng mắc.

Bước đầu, những khó khăn nổi lên có thể kể đến là vướng mắc về thể chế như pháp luật đất đai, giao đất, chuyển đổi mục đích sử đụng đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án; những khó khăn liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, đô thị.

Ngoài ra, theo ông Sinh, còn có những khó khăn liên quan đến nguồn lực doanh nghiệp như khó khăn tài chính, trái phiếu đến hạn… dẫn đến khó khăn trong thực hiện dự án; khó khăn từ việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính và phê duyệt dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

“Những gì hướng dẫn được tổ công tác hướng dẫn ngay, phân loại rõ những nhóm vướng mắc; nếu vướng mắc do doanh nghiệp đầu tư dàn trải thì doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương thì cần khẩn trương phê duyệt các dự án, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đề xuất tháo gỡ kịp thời…”, ông Sinh nêu.

Ông Sinh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương và doanh nghiệp để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng có 2 khó khăn lớn nhất là thủ tục về đất đai và thứ hai là nguồn tín dụng.

"Trong các giải pháp Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra, có giải pháp sắp tới cần tập trung là rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Như vậy, bằng những giải pháp đó, thị trường bất động sản dần được khắc phục", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, một số dự án bất động sản hiện đang có mức giá cao, chủ đầu tư cần giảm giá hợp lý để người dân tiếp tục đầu tư, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

son.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng. Điều này có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Ông Châu cho rằng, các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.

Đồng thời, theo ông Châu, doanh nghiệp bất động sản phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn để phục hồi, tăng trưởng, phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất, theo ông Châu chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà từ nay đến Tết Âm lịch.

“Hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12.2022 đến ngày 6.1.2023 (Rằm tháng Chạp) với tổng cộng 36 ngày tới đây”, ông Châu nêu.

Ông Châu cũng nhận thấy trong 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm 2022 thì CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm đã cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Chính phủ xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12.2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

Ông Châu đề nghị các tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang. Trong đó đặc biệt là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.

“Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng. Điều này để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Một số dự án BĐS giá đang cao, chủ đầu tư nên hạ giá hợp lý