TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng người dân sẽ khó chấp nhận việc họ không còn được sở hữu căn hộ chung cư sau mấy chục năm và con cháu họ cũng không được thừa kế. Tại sao chiếc xe máy, ô tô hết hạn sử dụng vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tại sao ô tô hết hạn sử dụng vẫn được sở hữu, còn căn hộ thì không?

Hoài Lam | 25/11/2022, 11:29

TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng người dân sẽ khó chấp nhận việc họ không còn được sở hữu căn hộ chung cư sau mấy chục năm và con cháu họ cũng không được thừa kế. Tại sao chiếc xe máy, ô tô hết hạn sử dụng vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không?

Hợp pháp nhưng chưa hợp lý

Tại tọa đàm “Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn” do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức sáng 25.11, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu câu hỏi: Hạn chế thời gian sở hữu nhà chung cư có hợp pháp không và làm như vậy có hợp lý không?

“Nhiều người cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là một quyền dân sự được Bộ luật Dân sự bảo hộ nên không thể dùng Luật Nhà ở - một đạo luật chuyên ngành, để quy định trái với Bộ luật Dân sự”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, về mặt thứ bậc, Bộ luật Dân sự có hiệu lực pháp lý cao hơn Luật Nhà ở. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể cao hơn Hiến pháp. Trong khi đó, Hiến pháp lại cho phép dùng luật để hạn chế quyền con người trong 4 trường hợp vì lý do: (1) quốc phòng, an ninh quốc gia; (2) trật tự, an toàn xã hội; (3) đạo đức xã hội; (4) sức khỏe cộng đồng (điều 14, Hiến pháp năm 2013).

“Việc hạn chế quyền sở hữu nhà chung cư (theo thời hạn sử dụng của nhà chung cư) chính là trường hợp thứ 2 - để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội - theo quy định của Hiến pháp. Như vậy, với việc giải thích Hiến pháp phù hợp, sẽ không có vấn đề pháp lý khi sử dụng Luật Nhà ở để quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư”, ông Dũng nêu.

Với câu hỏi “việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư có hợp lý hay không?”, ông Dũng cho rằng câu trả lời lại không hề đơn giản.

Theo ông Dũng, trước hết, áp đặt thời hạn sở hữu nhà chung cư rất dễ bị dư luận xã hội phản đối. Đây quả thật là một vấn đề tâm lý hơn là một vấn đề pháp lý. Đối với rất nhiều người, căn hộ chung cư là một tài sản rất lớn, tích cóp cả đời người mới mua được.

“Sau một thời gian, cho dù là sau 80 năm, họ không còn được sở hữu nữa và con cháu họ cũng không được thừa kế là điều rất khó được chấp nhận. Trong khi đó, tại sao một chiếc xe máy, một chiếc ô tô hết hạn sử dụng người ta vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không?”, ông Dũng đặt vấn đề.

dung-2.jpg
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, vấn đề đặt ra là nếu hạn chế thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tạo ra khuyến khích mua nhà trệt, vì quyền sở hữu đối với nhà trên đất là vô thời hạn. Điều này không chỉ làm méo mó thị trường, mà còn trái với xu thế đô thị hóa.

Theo đó, việc ban hành các quy phạm về thời hạn sử dụng nhà chung cư và bảo đảm việc thi hành vẫn hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề. Xe hết hạn sử dụng, không được đi nữa; nhà chung cư hết hạn sử dụng không được ở nữa. Những quy định áp đặt được cho xe thì cũng cần phải áp đặt được cho nhà. Mà như vậy thì không chỉ có xe phải đăng kiểm định kỳ, mà nhà cũng phải thẩm định về độ an toàn định kỳ.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng phương án quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tuy hợp pháp, nhưng chỉ hợp lý một cách vừa phải. Tối ưu sẽ là phương án không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Tuy nhiên, nếu Luật Nhà ở không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, thì vẫn phải quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Hết thời hạn sử dụng thì cư dân không được ở trong nhà chung cư nữa. Pháp luật chỉ tước bỏ quyền sử dụng, chứ không phải tất cả các quyền cấu thành quyền sở hữu của các chủ nhà chung cư.

Quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, nhìn ra thế giới, một trong các quốc gia phát triển về thị trường bất động sản hiện nay có thể kể đến là Singapore. Singapore công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng lại có đến 99% đất đai thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Singapore và chỉ có 1% đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân.

Do vậy, Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB) làm chủ đầu tư các dự án nhà ở chung cư gắn liền với quyền sở hữu đất đai của Chính phủ Singapore nên hoàn toàn có quyền quy định bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn 99 năm, đó là quyền của “chủ đất” đồng thời là “chủ dự án nhà chung cư”.

Còn đối với các dự án nhà chung cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư trên 1% đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân thì chủ đầu tư có quyền bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn hoặc không có thời hạn theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Như vậy, tại Singapore tồn tại song song 2 chế độ sở hữu nhà chung cư có thời hạn hoặc không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất.

chung-cu.jpg
Tọa đàm “Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”

Cũng theo ông Hậu, điều 25 dự thảo Luật Nhà ở quy định việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn sẽ được áp dụng đối với nhà chung cư xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành, còn đối với các nhà chung cư có trước ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực thi hành được sở hữu không có thời hạn.

“Điều này sẽ dẫn đến thực tế trong hơn 100 năm tiếp theo sẽ có đến hàng trăm nghìn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không có thời hạn và sẽ ngày càng có nhiều nhà chung cư được xây dựng sau ngày Luật Nhà ở mới có hiệu lực được sở hữu có thời hạn. Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý cả hai loại nhà chung cư sở hữu không có thời hạn và sở hữu có thời hạn”, ông Hậu nói.

Ông Hậu cho rằng nên giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở năm 2014 quy định quyền sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất. Theo đó, công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn.

“Quyền luôn luôn đi liền với trách nhiệm. Muốn không cho phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại, thì các chủ sở hữu phải có trách nhiệm chi tiền để duy trì chung cư sao cho nó không làm cảnh quan của thành phố trở nên nhếch nhác. Ngoài ra, nếu ngôi chung cư sụp đổ gây thiệt hại cho bất kỳ ai, thì các chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đó chính là bản chất của pháp luật”, ông Dũng nêu.

Bài liên quan
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
28 phút trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tại sao ô tô hết hạn sử dụng vẫn được sở hữu, còn căn hộ thì không?