Tối 14.1, CDC Hà Nội đã có báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo bản đồ lây nhiễm bệnh, Hà Nội đã không còn quận, huyện nào thuộc vùng xanh.

Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội điều trị các ca bệnh nhiễm COVID-19 trở nặng

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 14/01/2022, 21:48

Tối 14.1, CDC Hà Nội đã có báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo bản đồ lây nhiễm bệnh, Hà Nội đã không còn quận, huyện nào thuộc vùng xanh.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện TP vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng) như công bố cách đây một tuần. Hà Nội còn 7 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam), gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên. 23 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2. So với tuần trước, quận Hoàn Kiếm giảm từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng). Tuy nhiên, 2 huyện là Phú Xuyên và Phúc Thọ lại từ cấp độ 1 lên cấp độ 2. Ở cấp độ xã, phường, thị trấn, theo đánh giá, trong vòng 14 ngày trở lại đây, có 158 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, ở cấp độ 3; 367 xã, phường ở cấp độ 2 và 54 xã, phường ở cấp độ 1 và Hà Nội cũng không có địa bàn nào thuộc cấp độ 4 về dịch bệnh.

Trong ngày 14.1, Hà Nội lần đầu vượt qua ngưỡng hơn 3.000 ca bệnh COVID-19, trước tình hình dịch bệnh phức tạp này, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục kiên định các giải pháp phòng, chống dịch mà thành phố đã đặt ra. Ông Chử Xuân Dũng khẳng định, ý thức người dân rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; có giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả nhất từng nội dung trong công thức: "5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân". Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải cập nhập kịp thời dữ liệu người nhiễm COVID-19 mới vào phần mềm quản lý của thành phố: "Trên hệ thống còn ghi nhận được phản ánh của người dân. Lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm này vào smart phone; tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Phần mềm thiết lập rồi mà các địa phương không vào cuộc thì vô ích".

chong-covid-13.jpg
Hà Nội không còn quận, huyện nào thuộc vùng xanh

Cũng trao đổi với phóng viên về tình hình dịch bệnh phức tạp của Hà Nội khi ngày đầu tiên Hà Nội đạt ngưỡng vượt 3.000 ca bệnh, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hà Nội hết sức trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nhận định về số ca bệnh tăng nhanh một cách chóng mặt, đồng thời số ca bị nhiễm bệnh trở nặng, các F0 điều trị tại nhà bắt đầu luống cuống thì đại diện ngành Y tế đã khẳng định đã hỗ trợ tiếp nhận các bệnh nhận nặng của Hà Nội vào các bệnh viện tuyến trung ương. Các chuyên gia y tế cũng đề xuất Hà Nội cần nghiên cứu thiết lập khu vực chăm sóc giảm nhẹ dành cho các đối tượng quá cao tuổi, bệnh nền rất nặng, phục vụ các gia đình có nguyện vọng chăm sóc giảm nhẹ cho người thân. Đồng thời Hà Nội cần triển khai công tác phối hợp liên tầng để chuyển bệnh nhân cần chặt chẽ hơn nữa, tránh bệnh nhân lên tuyến trên không cần thiết, nhưng cũng có tình trạng chủ quan, khiến bệnh nhân chuyển đến tầng 3 muộn.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc nỗ lực, trách nhiệm của ngành y tế Hà Nội cũng như các đơn vị của Bộ Y tế, của các bộ, ngành được giao nhiệm vụ và Bộ Y tế luôn đồng hành cùng y tế Hà Nội phòng chống dịch, đặc biệt tiếp nhận các ca bệnh chuyển biến nặng". 

bao-hiem-y-te-1.jpg
Bộ Y tế tạo điều kiện tối đa cho việc bệnh nhân nhiễm COVID-19 chi trả tại các bệnh viện tuyến trung ương

Bộ Y tế sẽ có những chỉ đạo sát sao, cụ thể các bệnh viện trực thuộc, cùng trao đổi với đề xuất các bộ ngành giao các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn dành giường bệnh phù hợp để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường. Bộ Y tế cho rằng việc tổ chức hệ thống 3 tầng điều trị đã có nhiều kết quả tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng các bệnh viện TW và bệnh viện tầng 3 của Hà Nội được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới cần thực hiện theo mô hình "bệnh viện chị-em", không chỉ hỗ trợ bệnh viện tầng 2 mà còn cả tầng 1 và trạm y tế lưu động theo hình mạng lưới để có thể chủ động trong hỗ trợ. "Đặc biệt tránh để quá tải ở tầng điều trị 2 và 3 không hợp lý"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Về đề xuất của Hà Nội liên quan đến việc tập huấn chuyên môn điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giao Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối, trao đổi kỹ với Hà Nội về nhu cầu cụ thể, mục tiêu mong muốn để từ đó, Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyến trung ương, đảm nhiệm việc này, kể cả tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến khoa học, hiệu quả. "Với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nhân lực y tế cho phòng chống dịch, cho các trạm y tế lưu động, cho điều trị bệnh nhân, những việc hành chính cần huy động các lực lượng khác đảm nhiệm, đồng hành cùng y tế" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Liên quan đến công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế báo cáo lãnh đạo Bộ cụ thể để Bộ trao đổi với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và báo cáo lên Chính phủ. "Tôi đề nghị các đơn vị bắt tay vào việc luôn để làm sao hỗ trợ Hà Nội được nhiều nhất, nhanh nhất" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bài liên quan
Quán quân Giọng hát hay Hà Nội Bùi Huyền Trang ra mắt MV về Hà Nội
Bùi Huyền Trang - nữ ca sĩ trẻ vừa đoạt giải quán quân cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2024 đã cho ra mắt khán giả MV đầu tay trong sự nghiệp ca hát của mình, với tên gọi đầy thân thương: Cô gái Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội điều trị các ca bệnh nhiễm COVID-19 trở nặng