Đã 4 năm kể từ ngày bà Hiệp ăn Tết âm lịch tại quê nhà. Từ khi cả 3 người con trai vướng vào vòng lao lý, người đàn bà này phải xa quê hương, đi làm thuê tại đất Sài Gòn để có điều kiện thăm nuôi các con.
Làm từ sáng đến tối khuya ở chợ An Phú Đông, thu nhập của bà Hiệp cao nhất cũng chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng. Nhưng riêng tiền phòng trọ, điện nước đã gần hết 1 triệu đồng. Bà Hiệp cho biết vừa mới đi thăm 3 con mình bị giam tại trại giam Chí Hòa những ngày gần Tết. Sau khi cố gắng dành dụm và được bà con xung quanh cho thêm ít tiền, bà Hiệp mang theo 600 nghìn đồng và 3 túi mì ký. Nhớ lại những lời dặn dò của các con rằng đừng mua gì vào vì biết mẹ nghèo khổ khiến bà Hiệp không kìm được những giọt nước mắt.
Huỳnh Văn Phong (SN 1980), Huỳnh Văn Ly (SN 1985), Huỳnh Nhựt Anh (SN 1988) cùng ngụ Vĩnh Long, đều là con ruột của bà Hiệp. Khoảng 12h trưa 7.6.2012, Phong đến mượn Anh xe máy để đi lấy giấy từ vợ đang giữ tại công ty Thành Đạt (đường số 6A, KCN Lê Minh Xuân). Khi biết chuyện, Ly đã kêu Anh đi theo vì biết Phong từng có mâu thuẫn với bảo vệ của công ty này.
Đúng như Ly lo sợ, khi tới đây Phong đã có ẩu đả với nhóm bảo vệ của công ty này. Thấy Phong bị đánh, Anh chạy qua can ngăn thì tiếp tục bị hành hung. Cùng lúc này Ly chạy xe tới và chứng kiến sự việc nên vô cùng bực tức. Dù được Ly khuyên bỏ về nhưng Phong vẫn đứng chửi nhóm bảo vệ này.
Đến lúc này Lê Hoàng L (SN 1988, quê Vĩnh Long, là công nhân công ty Thành Đạt) chạy xe từ bên cổng công ty Thành Đạt về phía của Phong. Ly bất ngờ xuống xe và đánh L ngã xuống đường bất tỉnh. Thấy vậy cả Anh và Phong lao đến đánh L tới tấp dù nạn nhân đã bất tỉnh. Cả ba chỉ dừng lại khi bị nhóm bảo vệ công ty này đuổi đánh và bắt giữ giao cho Công an. L dù được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Tại phiên tòa Phúc thẩm, HĐXX nhận thấy không có tình tiết gì mới nên quyết định giữ nguyên mức án phạt đối với Huỳnh Văn Phong là 18 năm tù, Huỳnh Văn Ly 16 năm tù, Huỳnh Nhựt Anh 8 năm tù giam về tội cùng “Giết người.
Ba người con của bà Hiệp tại phiên phúc thẩm. |
Kể từ ngày các con bị tạm giam đến nay, bà Hiệp bỏ quê hương, làng xóm để lên Sài Gòn mưu sinh. Mục đích của bà là muốn được gần con, có điều kiện để gặp các con mình. Bà Hiệp cho biết: “Tôi ở quê chỉ mò cua, bắt ốc, làm thuê cho người ta. Nếu làm ở quê thì không biết đến bao giờ đủ tiền thăm nom các con mình được.”