Với hai trận hòa mới nhất trước Ả Rập Saudi (1-1) và Úc (0-0), đội tuyển Indonesia chính thức bước lên một tầm cao mới.
Góc bình luận

Bóng đá Indonesia nhảy vọt đâu chỉ nhờ chính sách nhập tịch!

Đặng Hoàng 11/09/2024 17:15

Với hai trận hòa mới nhất trước Ả Rập Saudi (1-1) và Úc (0-0), đội tuyển Indonesia chính thức bước lên một tầm cao mới.

Đáng nói hơn, đây là kết quả ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 của khu vực châu Á. Cùng với những thành công liên tục, xuyên suốt ở các giải đấu và mọi cấp độ từ các đội U cho đến đội tuyển quốc gia từ năm 2023 đến nay, bóng đá Indoneisa giờ đây có thể nghĩ đến giấc mơ vươn tầm châu Á.

Nhiều người cho rằng, bóng đá Indonesia lột xác là nhờ chính sách nhập tịch. Nhận định này đúng nhưng chưa đủ!

indo.jpg
Indonesia vừa cầm hòa Úc

Cuộc cách mạng của Chủ tịch PSSI Erick Thohir

Bóng đá Indonesia đã sa sút và không bằng Thái Lan, Việt Nam, nhưng tất cả đã lột xác kể từ khi LĐBĐ Indonesia (PSSI) có chủ tịch mới là ông Erick Thohir vào năm 2023.

Sinh năm 1970, năm 23 tuổi ông Erick Thohir đã có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học quốc gia, California (Mỹ). Ông là doanh nhân, nhà hoạt động từ thiện và chính trị gia người Indonesia. Ông đang là Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước.

Về thể thao, đặc biệt là bóng đá, ông cũng từng là chủ sở hữu kiêm Chủ tịch của câu lạc bộ (CLB) Inter Milan (sau 5 năm điều hành, ông đã thoái vốn vào năm 2018) và D.C. United. Ông cũng là người đồng sở hữu của hai CLB Oxford United (Anh) và Persis Solo (Indonesia). Ông cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia. Năm 2019, ông trở thành Ủy viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Với vị thế này, ngay sau khi Indoneisa bị truất quyền đăng cai World Cup 2023 vì lý do chính trị, với tư cách tân chủ tịch PSSI, ông Erick đã vận động và thuyết phục được FIFA trao quyền đăng cai World Cup U17 2023.

Ngay sau khi tổ chức thành công và được các tổ chức bóng đá thế giới đánh giá cao, ông Eick cho biết sẽ hợp tác với Singapore để xin đăng cai Giải vô địch U20 thế giới 2025 và Giải vô địch bóng đá U17 thế giới 2025 hoặc 2029. Ngay sau đó, LĐBĐ Singapore cũng chính thức thông báo sẽ cùng Indonesia xin đăng cai hai giải trẻ này.

Giải thích lý do đăng cai giải trẻ mà rút lại ý định đăng cai World Cup 2034, ông Erick cho biết bóng đá Indonesia cần làm lại bóng đá trẻ và chiến lược này đã bắt đầu từ 2018, khi Indonesia nộp hồ sơ xin là nước chủ nhà rồi sau đó được trao quyền đăng cai World Cup U20 năm 2021 (vào tháng 10.2019).

Giải dự kiến tổ chức từ ngày 20.5 đến 12.6.2021, nhưng sau đó đã phải hoãn đến tháng 5.2023 do đại dịch COVID-19. Indonesia đã chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nâng cấp, sửa chữa 6 sân vận động cho sự kiện này. Do đó, khi bị tước quyền tổ chức World Cup U20 năm 2023, đồng thời nước chủ nhà Peru không đáp ứng được tiêu chuẩn của FIFA, Chủ tịch PSSI Erick đã thuyết phục FIFA chuyển World Cup U17 2023 từ Peru về Indoensia tổ chức.

Tại giải đấu này, đội U17 Indonesia dù không vượt qua vòng bảng nhưng các tuyển thủ trẻ Indonesia đã để lại dấu ấn với hai trận hòa trước các đội bóng mạnh là Ecuador, Panama.

Không chỉ ngoại giao đưa giải thế giới về quê nhà Indonesia tổ chức, ông Erick còn tổ chức trận đấu giao hữu trong đợt FIFA Day giữa đội đương kim vô địch thế giới Argentina với đội tuyển Indonesia. Giải thích về trận đấu chênh lệch này, ông Erick cho biết mục đích là mong muốn đội tuyển Indonesia có cơ hội thi đấu với những đội tuyển hàng đầu thế giới. Kế hoạch của ông Erick là muốn tổ chức mỗi năm một trận như thế này để thử thách lòng dũng cảm, nâng cao sự tự tin, rũ bỏ mặc cảm tự ti, chứ không phải để kiếm điểm trên bảng xếp hạng FIFA.

Cũng chính từ uy tín cùng tiềm lực tài chính và trên hết là tầm nhìn, ông Erick đã khởi động lại và thay đổi hoàn toàn chính sách nhập tịch cầu thủ.

Gieo gì thì gặt nấy

Cả hai trận hòa với Ả Rập Saudi và Úc, đội hình xuất phát của Indonesia cùng có 9 cầu thủ nhập tịch với đa số là người Hà Lan có dòng máu Indonesia từ ba hoặc mẹ hay ông, bà.

Chi tiết "người Hà Lan" được nhấn mạnh vì Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan từ thế kỷ 17 và đến năm 1945 Indonesia mới độc lập, mà Hà Lan là quốc gia có nền bóng đá trong nhóm đầu thế giới, đồng thời là một trong những cái nôi đào tạo bóng đá trẻ chất lượng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự khác biệt về cầu thủ nhập tịch của Indonesia so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Philippines hay Việt Nam, đó là các cầu thủ đó phải đang thi đấu ở ngoài, đồng thời bắt buộc phải có huyết thống Indonesia. Quy định này cho thấy PSSI chú ý đến chất lượng của cầu thủ nhập tịch khi giải vô địch Indonesia chưa hoàn thiện và còn kém khi so với Thai-League.

Cũng chính quy định này mà không có sự tranh chấp về cuộc sống giữa các cầu thủ nội địa và nhập tịch ở giải quốc gia Indonesia. Từ đây, các cầu thủ trong nước có điều kiện thi đấu nhiều hơn, thế nhưng bản thân họ phải nỗ lực tối đa nếu muốn được khoác áo đội tuyển Indonesia.

Một sự cạnh tranh khốc liệt mà sòng phẳng.

Và những cầu thủ Indonesia được thi đấu ở hai trận hòa Ả Rập Saudi và Úc là ai?

Là tiền vệ 20 tuổi Marselino Ferdinan, cao 1m78, đang thi đấu cho CLB Oxford United thi đấu ở Championship (Anh) được định giá 300.000 euro; tiền vệ 21 tuổi Pratama Arhan thi đấu cho Suwon FC (K-League) giá trị 300.000 euro; trung vệ cao 1m83 Rizky Ridho được định giá 475.000 euro; là Witan Sulaeman, 21 tuổi, giá trị 250.000 euro...

Đây là thế hệ được đầu tư để dự tranh World Cup U20 năm 2023, và tất cả đều khoác áo đội tuyển quốc gia từ tuổi 18 hoặc muộn lắm là 19. Cho đến nay, các cầu thủ này ai cũng trên 30 lần thi đấu cho đội tuyển Indonesia. Đây cũng là thế hệ mà HLV đội tuyển Indonesia Shin Tae-yong hiểu rất rõ vì ông bắt đầu ký hợp đồng với PSSI từ năm 2020, khi ông vừa làm HLV đội tuyển quốc gia vừa dẫn dắt các đội U từ 20 đến 23.

Ngày 15.10.2019 và 7.6.2021 đội tuyển Indonesia còn thua dễ dàng Việt Nam 1-3 và 0-4 ở vòng loại World Cup 2022. Thậm chí, tháng 1.2023, Indonesia cũng thua Việt Nam 0-2 ở AFF Cup nhưng 3 lần gặp nhau trong năm 2024, Indonesia lại thắng ở cả 3 trận, trong đó có một trận ở Asian Cup và hai trận ở vòng loại World Cup 2026.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
9 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Indonesia nhảy vọt đâu chỉ nhờ chính sách nhập tịch!