“Anh chị em công nhân chỉ có yêu cầu đơn giản là được lãnh lương, được giải quyết bảo hiểm xã hội để có điều kiện đi xin việc làm nơi khác, nhưng không biết khi nào mới được giải quyết”, chị T. nói.

Bỗng dưng Ban Giám đốc ‘mất tích’, hàng trăm công nhân điêu đứng

Hùng Anh | 09/11/2017, 09:50

“Anh chị em công nhân chỉ có yêu cầu đơn giản là được lãnh lương, được giải quyết bảo hiểm xã hội để có điều kiện đi xin việc làm nơi khác, nhưng không biết khi nào mới được giải quyết”, chị T. nói.

Công ty nợ đủ thứ

Ngày 1.11 vừa qua, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Daechang Vina do ông Kim Chang Seob (Hàn Quốc) làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, có trụ sở ở xã Bình Ninh (H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) tụ tập trước cổng chờ được vào làm việc theo thông báo của công ty. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ công ty đã từ chối cho công nhân vào nhà máy, với lý do thông tin mới nhất của lãnh đạo công ty là… tiếp tục ngưng việc.

Nhận được tin công nhân tụ tập đông người, đại diện lãnh đạo UBND H.Chợ Gạo đến hiện trường nhưng không giải quyết được vụ việc mà tình hình ngày càng căng thẳng. Mãi đến khi ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trực tiếp xuống hiện trường xem xét và hứa sẽ xúc tiến các thủ tục ngoại giao cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, thì công nhân mới đồng ý ra về.

Ngày 8.11, chị T.T.L., công nhân của Công ty Daechang Vina, kể: “Tui và chồng, làm việc cho công ty này từ lúc ở tỉnh Bình Dương. Đến năm 2014 mấy ông chủ người Hàn Quốc xuống mở nhà máy sản xuất ở xã Bình Ninh thì vợ chồng tui cùng một số công nhân theo về đây làm việc cho đến nay. Hàng ngày công nhân của công ty chuyên may ba lô, túi xách cao cấp, vali, túi đựng gậy đánh golf, bình quân mỗi tháng sau khi trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì 1 công nhân được lãnh lương khoảng 5 triệu đồng”.

Công việc đang êm xuôi thì bất ngờ ngày 16.8 công nhân đến xưởng mà không được bảo vệ cho vào làm việc, cũng không nói rõ lý do vì sao. Nghỉ việc đến ngày 23.8 thì Ban Giám đốc Công ty có thông báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 16.8 đến ngày 30.9 do không có đơn đặt hàng, phía công ty sẽ trả hết lương tháng 8 cho công nhân vào ngày 10.9.

Nhưng đến ngày 25.9 công ty tiếp tục ra thông báo cho biết vẫn tạm dừng hoạt động từ ngày 2.10 đến ngày 1.11 sẽ hoạt động trở lại và sẽ trả lương chờ việc cho công nhân vào ngày 10.10. Tuy nhiên đến ngày 16.10, Công ty Daechang Vina vẫn không phát lương.

“Vợ chồng tui với đứa con nhỏ thuê nhà trọ mỗi tháng 500.000 đồng, tiền ăn uống, sinh hoạt, lo cho con… chẳng còn dành dụm được bao nhiêu. Mấy tháng nay không có việc làm, không có lương, 2 vợ chồng tui phải đi làm thuê đủ thứ việc mới có tiền trang trải cho gia đình”, chị L. buồn rầu nói.

Chị N.T.T.T., công nhân của công ty, cho biết hơn 2 tháng qua công nhân không biết ban lãnh đạo công ty đã đi đâu, trong khi lương tháng 9 và tháng 10 cùng các chế độ về bảo hiểm xã hội của công nhân vẫn chưa được công ty giải quyết. Khi các công nhân đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) H.Chợ Gạo thì được biết công ty chỉ chốt sổ BHXHcho công nhân đến tháng 6, trong khi thông báo cho công nhân là vẫn trừ BHXH vào lương chờ việc tháng 9 và 10, dù công nhân không được lãnh đồng nào.

Thông báo tạm thời ngưng hoạt động của công ty Daechang Vina - Ảnh: Thanh Anh

“Tui thấy việc này rất vô lý, anh chị em công nhân bị thiệt thòi quyền lợi. Hiện nay anh chị em công nhân chỉ có yêu cầu đơn giản là được lãnh 2 tháng lương công ty còn nợ, được giải quyết bảo hiểm xã hội để có điều kiện đi xin việc làm nơi khác, nhưng không biết khi nào mới được giải quyết, bởi họ không đóng BHXH thì tụi tui có lấy được sổ cũng khó đi xin việc”, chị T. ngao ngán nói.

Theo chị T., hiện nay rất nhiều công nhân nếu không đi làm thuê làm mướn đủ thứ nghề để kiếm sống thì phải cạy cục xin vào may túi xách công nghiệp ở 1 xưởng may gần công ty, với tiền công 100.000 đồng/ngày, nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm.

“2 tháng qua những người không có việc làm phải đi vay nợ bên ngoài để trang trải cuộc sống với mức vay 1 triệu đồng trả 10.000 đồng/ngày, vay tiền tháng lãi suất từ 10 - 20%/tháng. Vay nợ kiểu này mai mốt có đòi được lương thì chưa chắc đủ tiền trả nợ”, chị T. nói.

Trong khi đó bà Trần Thị Phượng, chủ quán cà phê đối diện cổng Công ty Daechang Vina, cho biết hàng ngày bà vừa bán cà phê vừa phụ chị ruột nấu cơm cho công nhân. Khi công ty đột ngột đóng cửa vẫn còn nợ chị em bà hơn 300 triệu đồng tiền mua cơm và nợ riêng bà Phượng hơn 10 triệu đồng tiền cà phê, đòi hoài nhưng những người đại diện công ty nói không biết, muốn đòi thì… mua vé máy bay qua Hàn quốc gặp ông chủ mà đòi.

Tỉnh sẽ gửi công hàm sang Hàn Quốc

Ông Phạm VănTám, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, cho biết Công ty Daechang Vina hoạt động từ năm 2014, có 244 lao động, trong đó có 184 nữ công nhân. Ngoài một số ít công nhân ở xa, phần lớn đều là người của địa phương và các xã lân cận thuộc 2 huyện Gò Công Tây và Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang. Ngay cả UBND xã cũng bất ngờ khi công ty này tự dưng ngừng hoạt động đột ngột và ban lãnh đạo công ty không xuất hiện trong thời gian dài không rõ lý do.

“Họ đóng trụ sở trên địa bàn nhưng khi ngưng hoạt động thì âm thầm đóng cửa, không có thông báo gì đối với địa phương, lúc công nhân bao vây đòi nợ tiền lương thì chúng tôi lại phải lo giữ gìn an ninh trật tự”, ông Tám nói.

Theo các công nhân, sau khi bị mất việc thì Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ mỗi công nhân 200.000 đồng. Trong buổi gặp gỡ công nhân Công ty Daechang Vina vào ngày 1.11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM yêu cầu ban lãnh đạo công ty phải thu xếp thời gian có mặt tại trụ sở công ty để giải quyết yêu cầu, nguyện vọng của công nhân theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Qua xác định, ông Kim Chang Seob về Hàn Quốc từ tháng 8 đến nay không trở lại và gần đây người đại diện của công ty thông tin có khả năng công ty sẽ chấm dứt hoạt động, khiến công nhân rất hoang mang, bức xúc vì chưa được trả lương, trả sổ BHXH, sẽ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự tại địa phương.

Vì vậy UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị ông Kim Chang Seob khẩn trương đến Tiền Giang để cùng UBND tỉnh và các cơ quan hữu trách tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết chế độ, quyền lợi cho công nhân. Nếu ông Kim Chang Seob không đến Tiền Giang theo đề nghị thì UBND tỉnh sẽ có công hàm chính thức gửi đến Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM để thông báo vụ việc và xử lý theo đúng quy định pháp luật của 2 nước.

Tuy nhiên cho đến nay phía ông Kim Chang Seob vẫn không có thông tin phản hồi, công ty cửa đóng then cài trong khi hàng trăm công nhân vẫn mòn mỏi chờ lương.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỗng dưng Ban Giám đốc ‘mất tích’, hàng trăm công nhân điêu đứng