Từng được “tung hô” là khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, nhưng nay Happyland Long An đang bị kê biên, phát mãi tài sản để… trả nợ.

Khu vui chơi giải trí từng được tung hô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á đang ‘chết chìm’!

Hồ Hùng | 02/11/2017, 10:17

Từng được “tung hô” là khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, nhưng nay Happyland Long An đang bị kê biên, phát mãi tài sản để… trả nợ.

“Chết chìm” bên bờ sông Vàm Cỏ

Đi trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến địa phận H.Bến Lức (tỉnh Long An), sẽ thấy 1 vùng đất rộng mênh mông trải dài gần 4 km dọc bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông, với những công trình xây dựng lạ mắt. Khu “đất vàng” rộng hơn 680 ha đó có tên Happyland -Xứ sở hạnh phúc, thuộc xã Thạnh Đức, nhiều năm qua được “tung hô” là khu phức hợp vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với vốn đầu tư hơn 2 tỉUSD.

Ông Huỳnh Văn Chương, người dân ấp 6, xã Thạnh Đức, kể: “Trước đây vùng đất này chủ yếu là ruộng lúa, dọc bờ sông là rừng lá dừa nước. Sau đó UBND tỉnh Long An lấy khu đất này giao cho Tập đoàn Khang Thông (trụ sở chính tại quận 1, TP.HCM) đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí Happyland quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á”.

Ngày 14.2.2011, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (gọi tắt là Công ty Phú An - công ty con của Tập đoàn Khang Thông) tổ chức lễ khởi công xây dựng Happyland rất trọng thể, ngoài quan khách trong nước còn có nhiều khách nước ngoài được giới thiệu là “nhà đầu tư”. Đặc biệt là sự hiện diện của ông Joe Jackson (là cha của huyền thoại âm nhạc thế giới Michael Jackson).

Ông Joe Jackson được giới thiệu là người đại diện cho Tập đoàn Dougherty Sims Investment Macau (Mỹ) đến dự để ký kết xây dựng 1 khách sạn 5 sao trong Happyland. Tại lễ khởi công, đại diện Công ty Phú An thông báo khu giải trí phức hợp bao gồm nhiều hạng mục như: công viên Disneyland, phim trường, trường đua xe hiện đại, khinh khí cầu bay, lâu đài rượu, làng Việt Nam, nhà cổ, thành phố đồ chơi, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên nước, công viên phim trường, vũ trường, sân khấu trong và ngoài trời, nhà hàng, chợ nổi, trung tâm văn hóa Việt Nam… và sẽ là “xứ sở hạnh phúc” đúng nghĩa cho tất cả mọi người.

Trong lễ khởi công, nhà đầu tư khẳng định trước quan khách và người dân Bến Lức là chỉ sau 3 năm, tức năm 2014, dự án vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á - Happyland, sẽ được đưa vào khai thác và có thể phục vụ đến 14 triệu lượt khách/năm. Từ đó, nhiều người kỳ vọng: khỏi phải mua vé máy bay đi nước ngoài, chỉ cần đến Bến Lức, vào Happyland là có đủ món “ăn chơi".

Mộtcông trình xây dựng dở dang của Happyland

Nhưng đã 7 năm sau lễ khởi công, theo các cơ quan hữu trách của tỉnh Long An, Happyland chỉ mới hoàn thành vài hạng mục như: cổng chính trên đường tỉnh 816, khu khinh khí cầu, khu nhà cổ, bát giác cổ lầu, biển hồ Hoàng Sa - Trường Sa. Các hạng mục còn lại trong tình trạng xây dựng dở dang hoặc đang là bãi đất trống đầy cỏ dại mọc cao lút đầu người. Ở chân cầu Bến Lức phía quốc lộ 1A, chiếc cổng của “xứ sở hạnh phúc” được nhiều người mệnh danh là “chiếc cổng hoành tráng nhất Long An” vẫn trong tình trạng hoang phế.

Gần đây nhất, ngày 27.2.2016, trường đua Happyland khai trương với diện tích 139.000 m2, phục vụ khoảng 25.000 khán giả với nhiều hoạt động như đua mô tô, ô tô rally (7,5m km đường đua); sân tập xe đạp và mô tô cho trẻ em... Vậy mà bất ngờ, “vùng đất hạnh phúc” Happyland bị cơ quan Thi hành án tỉnh Long An tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo khả năng trả nợ của chủ đầu tư “siêu dự án” này.

“Chết chìm” vì đầu tư “quá hớp”

Theo thông tin từ Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Long An, hiện nay cơ quan thi hành án đang thực hiện kê biên tài sản của Happyland (Quyết định cưỡng chế ngày 18.5.2017) để đảm bảo thi hành án đối với chủ đầu tư dự án là Công ty Phú An. Tài sản phải kê biên bao gồm quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên diện tích 74 ha trong khu Happyland, đã được UBND tỉnh Long An cấp quyền sử dụng.

Toàn bộ tài sản sẽ hình thành trong tương lai của hơn 86 ha đất trong Khu Công nghiệp Thạnh Đức (huyện Bến Lức), do UBND tỉnh Long An cấp quyền sử dụng cho Khang Thông năm 2005, cũng bị kê biên. Hồitháng 2.2015, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM đã ra 2 phán quyết buộc Công ty Phú An phải trả cho 1 công ty của Nga số tiền hơn 5 triệu USD, trong đó hơn 4,5 triệu USD nợ gốc.

Cơ quan thi hành án tỉnh Long An tiến hành kê biên tài sản của Happyland xuất phát từ các văn bản của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM ủy thác. Ngoài số nợ bằng ngoại tệ, Công ty Phú An còn phải trả hơn 674 tỉ đồng tiền nợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị khác, hạn chót là ngày 30.8.

Chiếc cổng “hoành tráng nhất Long An” của Happyland ở chân cầu Bến Lức (quốc lộ 1A) nhiều năm liền trong cảnh hoang phế

Từ tháng 5 đến tháng 9, đại diện Công ty Phú An đã xin tạm hoãn thi hành án đến 3 lần để giải quyết nợ, nhưng sau 3 lần được tạm hoãn công ty này vẫn không có tiền trả nợ. Đáng chú ý là toàn bộ 350ha đất được UBND tỉnh Long An cho thuê xây dựng giai đoạn 1 của Happyland đã được Công ty Phú An đem thế chấp nhiều nơi để… vay tiền.

Và bà Phan Thị Phương Thảo (SN 1965, quê Long An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khang Thông, Tổng giám đốc đại diện theo pháp luật của Công ty Phú An) đã bị cấm xuất cảnh. Các cổ đông của Công ty Phú An cũng không được thực hiện các giao dịch mua bán tài sản liên quan đến Happyland khi chưa có sự cho phép của cơ quan thi hành án.

1 cán bộ của tỉnh Long An cho rằngý tưởng đầu tư của tập đoàn Khang Thông là tốt, nhưng rơi vào cảnh “vung tay quá trán”. Thực tế cho thấy, Tập đoàn Khang Thông chỉ có khả năng đầu tư khoảng 600 triệu USD để xây dựng 1 số hạng mục trên diện tích 100 ha của Happyland, trong khi các hạng mục còn lại chủ yếu là kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước.

Dù có được sự hứa hẹn của các nhà đầu tư tiềm năng, nhưng cho đến nay không ai biết được vì lý do gì mà khi Khang Thông triển khai dự án Happyland thì họ… rút lui, khiếncho “tham vọng lớn” của chủ dự án gãy đổ vì không đủ tiềm lực.

Công ty Phú An được Sở KHĐT tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần gồm 4 cổ đông sáng lập là anh chị em ruột, do bà Phan Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT, hoạt động với 46 ngành, nghề kinh doanh.Bà Thảo là nữ doanh nhân nổi tiếng với những dự án lớn, là người đưa 1 tỉphú Ai Cập đến Bình Định với kỳ vọng người này sẽ rót tiền vào dự án lọc dầu tại khu công nghiệp kinh tế Nhơn Hội.

Tập đoàn Khang Thông cũng ký hàng loạt hợp đồng với các đối tác đến từ Thái Lan, Nga… để thiết kế kỹ thuật cho dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội với công suất khoảng 12 triệu tấn/năm,ký nhiều hợp đồng với các công ty nước ngoài để nghiên cứu khả thi Nhà máy nhiệt điện Bình Định có công suất 700MW giai đoạn 1, diện tích 90 ha, vốn đầu tư 972 triệu USD.

Trung Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu vui chơi giải trí từng được tung hô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á đang ‘chết chìm’!