Sau 1 năm tạm dừng thu phí, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sắp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều điều mà nhiều người dân và giới tài xế bức xúc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

BOT Cai Lậy: Người dân và tài xế ở đâu trong dự án ?

27/02/2019, 06:47

Sau 1 năm tạm dừng thu phí, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sắp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều điều mà nhiều người dân và giới tài xế bức xúc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Ảnh: Thanh Nguyên

Sau nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, Bộ GT-VT, các bộ ngành có liên quan và tỉnh Tiền Giang để đưa ra nhiều phương án giải quyết, cuối cùng Bộ GT-VT đã chọn phương án 1 theo chỉ đạo lựa chọn các phương án tối ưu của Thủ tướng Chính phủ. Tức sẽ giữ nguyên vị trí đặt trạm, giảm giá vé từ 40-60%, nhưng tăng thời gian thu từ 6 năm 5 tháng lên 15 năm 9 tháng.

“Nhà đầu tư đã thiệt hại 130 tỉ rồi. Cho nên Bộ GT cũng như nhà đầu tư và tỉnh cố gắng những gì đang bất cập để nhà đầu tư được thu phí sớm nhất”, phát biểu của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật tại buổi họp báo tổ chức tại Tiền Giang, chiều 25.2, về việc chuẩn bị thu phí trở lại vào tháng 3, ở Trạm BOT Cai Lậy.

Cũng có thể hiểu cho sự “đau lòng” của ông Nhật về con số thua lỗ - theo báo cáo của nhà đầu tư, bởi dự án BOT Cai Lậy là do Bộ GT-VT đứng ra “chủ trì”, “kéo” nhà đầu tư vào để làm dự án. Nếu họ thua lỗ, Bộ GT-VT cũng mất mặt.

Nhưng làm cán bộ - nhất là lãnh đạo Bộ, ngành, lo cho dân là chuyện trước tiên. Thế những bức xúc của người dân, giới tài xế, ông Nhật đã giải thích gì? Ông Nhật cho biết, Bộ vẫn đang lắng nghe, tổng hợp ý kiến của người dân, cơ quan truyền thông để hoàn chỉnh phương án ở mức tối ưu, sau đó Bộ sẽ xác định ngày thu phí sớm nhất, dự kiến là trong tháng 3.

Nếu lắng nghe, Bộ GT-VT và nhà đầu tư cần tổ chức buổi đối thoại với Hiệp hội Vận tải, giới tài xế, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải nhiều, để nghe họ nói gì, có ý kiến ra sao. Chứ tuyên bố đang lắng nghe, vậy “nghe” bằng cách nào, bằng họp báo với... các nhà báo?

Lâu nay, giới tài xế phản ứng Trạm BOT Cai Lậy không phải do phí qua trạm quá cao mà chủ yếu là họ cho rằng trạm đặt sai vị trí. Chỉ trải nhựa thêm 26,5km mặt đường quốc lộ 1 với 379 tỉ đồng (đúng ra phần này Bộ GT-VT phải làm, vì quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch của đất nước), phần còn lại trong tổng số hơn 1.398 tỉ đồng được đầu tư tuyến tránh, trạm thu... nhưng đặt trạm chắn ngang quốc lộ 1, thì theo giới tài xế, là sai vị trí.

Do đó, đã có lúc Bộ GT-VT tính đến phương án đặt thêm 1 trạm trên tuyến tránh, xe nào đi qua tuyến tránh thì thu phí cao, xe nào chỉ qua quốc lộ 1 thì thu phí thấp, “xài” phần nào trả phí phần đó. Điều này cũng được nhiều tài xế ủng hộ. Nhưng cuối cùng, Bộ vẫn trình Chính phủ phương án giữ nguyên trạm, “chốt chặn” thu toàn bộ các xe qua quốc lộ 1!

Theo phía Bộ GT-VT, dự án này hoàn thành đi vào khai thác sẽ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, chỉnh trang hệ thống giao thông trong khu vực, đảm bảo ATGT trên tuyến...

Giới tài xế và người dân, doanh nghiệp vận tải không hề ngốc! Nếu tiết kiệm đúng vậy, họ sẵn lòng trả tiền, như họ từng chấp nhận trả tiền đi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để rút ngắn thời gian, thay vì đi theo quốc lộ 1, dù có sự lựa chọn. Còn ở BOT Cai Lậy, trạm phí đã chắn ngang quốc lộ 1

Còn chỉ với tuyến tránh Cai Lậy đầu tư mới vỏn vẹn 12km, dù đường có thoáng hơn, nhưng xa hơn đường cũ, nên họ thấy chẳng tiết kiệm được gì. Nếu lấy lý do chỉnh trang hệ thống giao thông trong khu vực, đảm bảo ATGT trên tuyến... thì đấy lại là trách nhiệm của chính quyền, của Bộ GT-VT, mà dân đã “nuôi” bằng tiền thuế, đừng bắt dân gánh thêm bằng tiền phí!

Và quan trọng nhất, số liệu mà Bộ GT-VT đưa ra, rất khó tin, khi có cảm giác chỉ đứng về phía nhà đầu tư! Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang cung cấp cho báo chí vào năm 2016, lưu lượng xe các loại lưu thông trên quốc lộ 1 qua Tiền Giang đạt 129.000 lượt/ngày đêm, trong đó, xe ô tô các loại đạt 51.000 lượt/ngày đêm.

Và theo Ủy ban An toàn giao thông Tiền Giang, tốc độ gia tăng lưu lượng xe trên quốc lộ 1 qua Tiền Giang là rất cao, đạt 20%/năm, điều này thường xuyên gây nên tình trạng kẹt xe trên đoạn đường này. Do đó, hiện lưu lượng xe trên quốc lộ 1 qua Tiền Giang có thể đạt 70.000 phương tiện/ngày đêm!

Tuy nhiên, số liệu kiểm đếm xe được cung cấp tại cuộc họp báo ngày 25.2.2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, lưu lượng xe ô tô các loại lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang chỉ đạt... 26.214 lượt/ngày đêm, trong đó, trên quốc lộ 1 đạt khoảng 16.779 lượt/ngày đêm và đoạn tránh quốc lộ 1 là 9.435 lượt/ngày đêm. Như vậy, đã có sai số rất lớn!

Khi các nhà báo nêu thắc mắc về số liệu này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đưa được lời giải thích xác đáng, mà chỉ cho biết sẽ kiểm tra, đối chiếu lại. Thu nhiều, kê khai ít để thu lợi khủng từ tiền mồ hôi nước mắt của dân, đó là điều mà dân đang lo, sao Bộ GT-VT không nghĩ cho dân, mà kiểm tra cẩn thận từ đầu?

Khi tạm dừng thu phí, Bộ GT-VT cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư lắp hệ thống thu phí tự động không đừng, để bảo đảm tính công khai minh bạch về lưu lượng xe. Nhưng tại cuộc họp báo hôm 25.2, chuyện này không được Bộ đả động đến. Xong hay chưa, hay chỉ cho thu rồi xem báo cáo?

“Cái sự đầu tư, làm ăn của chúng tôi đã đi vào ngõ cụt rồi! Chúng tôi là nhà đầu tư, chúng tôi là người bỏ vốn, đồng hành cùng nhà nước trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, chúng tôi cũng mong thu lại được hiệu quả”, ông Phạm Văn Cường, đại diện chủ đầu tư BOT Cai Lậy, than vãn.

Cũng có thể thông cảm với khó khăn hiện giờ của chủ đầu tư. Nhưng nếu ngay từ đầu, Bộ GT-VT và chủ đầu tư công khai minh bạch mọi chuyện với dân, từ thông tin dự án, vị trí đặt trạm... xem có đồng lòng không mới làm, thì đã không gặp khó. Đàng này, "vẽ" thêm việc trải nhựa quốc lộ 1 rồi chặn ngang thu phí cả xe không qua đường tránh.

Dân, không phải là miếng mồi ngon!

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BOT Cai Lậy: Người dân và tài xế ở đâu trong dự án ?