Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy tỉnh Attapeu (Lào) một lần nữa cho thấy an toàn đập trên lưu vực Mekong là vấn đề thực sự đáng lo ngại. Ðối với ÐBSCL, điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Ðặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ÐBSCL nhất” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ÐBSCL cảnh báo.

ÐBSCL, lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền

03/08/2018, 08:06

Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy tỉnh Attapeu (Lào) một lần nữa cho thấy an toàn đập trên lưu vực Mekong là vấn đề thực sự đáng lo ngại. Ðối với ÐBSCL, điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Ðặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ÐBSCL nhất” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ÐBSCL cảnh báo.

Lũ về sớm làm cho nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Hồng Ngự, Ðồng Tháp thiệt hại

Chuyện gì cũng có thể xảy ra với Mekong

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói rằng, vụ vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy tỉnh Attapeu (Lào) ít có khả năng ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL, vì hiện nay đang là mùa lũ, nước chảy tràn trên diện rộng. Hơn nữa, đập này nằm ở dòng nhánh dù là cuối cùng đổ ra sông Mekong nhưng nằm cách chúng ta khá xa khoảng trên 600km. “Trong vài ngày tới, khối nước này về sẽ gây gia tăng mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) vài cm, nên không đáng lo lắm".

Tuy nhiên, theo ông Thiện, với thảm họa này, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại. Sự kiện vỡ đập Xepian Xe Nam Noy lần này không phải là lần đầu mà năm ngoái đã có đập Nam Ao ở tỉnh Xayxomboun vỡ đã làm ngập 7 làng. Như vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Ông Thiện cho rằng, đối với ĐBSCL lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất. Sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ thì ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây phía trên ĐBSCL. Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ cuối cùng đều ảnh hưởng đến Sambor.

Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18km, cao 56m, có diện tích hồ chứa 620 km2, tích trữ nước ở cao trình 40m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biển.

“Đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL, nếu phía trên có đập vỡ lùa nước xuống thì sẽ vỡ dây chuyền, khi đó sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với ĐBSCL”, Chuyên gia Thiện cảnh báo.

Theo Chuyên gia Thiện, trong số đập phía trên thì đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011. Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động và các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn của Thái Lan đã cảnh báo rằng trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này. Thực tế năm 2011 đã có 2 vụ động đất ở vùng Xayaburi, may là lúc đó chưa có đập. Sau này, khi đập Xayaburi hoàn tất, với sức nặng của nước trong hồ chứa có thể đè lên vỏ trái đất gây động đất kích thích.

Theo ông, lẽ ra khi thiết kế đập thì đã có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập Xepian Xe Nam Noy đã không chứng minh được điều đó. “Các nhà môi trường đã luôn luôn cảnh báo rằng lợi ích của thủy điện Mekong là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường trong toàn vùng” - ông Thiện nói.

Lũ bất thường ở ÐBSCL, dân trở tay không kịp

Lãnh đạo Sở NN&PTNT một số tỉnh đầu nguồn ĐBSCL cho biết, lũ năm nay đến sớm hơn mọi năm từ 10 - 15 ngày. Ở một số vùng, nhất là khu vực ngoài đê bao lũ lụt đã gây hại tại một số địa phương vùng đầu nguồn sông Tiền và Sông Hậu.

Theo ghi nhận của PV, tại cồn nổi trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) nước đã lên cao, gây ngập nhiều hec ta hoa màu như: bắp, đậu, củ sắn. Bà Lê Thị Muội (42 tuổi) ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2 cho biết, lũ năm nay về sớm. Mọi năm, khi lũ về là toàn bộ hoa màu của người dân đã thu hoạch xong.

Nhưng năm nay nước lên sớm nên bà con ở đây bất ngờ và không kịp trở tay làm nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng. Cùng hoàn cảnh, bà Võ Thu Trang (38 tuổi) cùng địa phương chỉ vào giàn bí nói: Giàn bí vừa mới đâm bông, đang hy vọng một mùa bội thu, chưa kịp vui bỗng đâu lũ tràn về. Bao nhiêu công sức, tiền của trôi theo dòng nước.

Cũng ở đầu nguồn, thời điểm này lũ đã nhấn chìm hàng trăm héc-ta lúa đang chín đỏ rực của bà con ở huyện An Phú (An Giang). Theo Phòng NN&PTNT huyện An Phú, có trên 400 ha lúa ngoài đê bao bị chìm trong nước nên địa phương đã phối hợp với bộ đội hỗ trợ dân thu hoạch, tránh mất trắng. Ngoài ra, ngành còn tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống đập ở những nơi có nguy cơ ngập thì gia cố ngay nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp.

Lão nông Trần Minh Phú ở xã Phú Hội có 1,9 ha bị chìm trong nước. “Lúa mới chín, tôi định ít hôm nữa mới thu hoạch nhưng bất ngờ nước lên nhanh làm ngập sâu, chỉ kịp gặt được 0,3 ha”, ông Phú buồn bã nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội Nguyễn Huy Tuấn cho biết, chính quyền cùng người dân thu hoạch mới được gần 270 ha trong tổng số 300 ha ngoài đê bao. Trong khi đó, bên xã Nhơn Hội (An Phú) cũng có trên 150 ha lúa hè thu bị ngập trong lũ, địa phương đã huy động hàng chục chiến sĩ giúp dân thu hoạch.

Ông Tăng Việt Hùng - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, do là xã đầu nguồn nên chịu ảnh hưởng khá nhiều khi lũ về. Tổng diện tích hoa màu ngập nước do nước lũ, không thu hoạch được, bị mất trắng hoàn toàn là 31,5ha. Trong đó, thiệt hại 50% là 15ha; Thiệt hại 100% là 16,5ha.

Theo Nhật Huy-Hòa Hội/Tiền Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ÐBSCL, lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền