Chàng trai người Nga Valery Spiridonov, người đầu tiên trên thế giới tình nguyện trở thành đối tượng thí nghiệm cho ca phẫu thuật cấy ghép đầu người sẽ bay tới Mỹ trong tuần này để gặp bác sĩ phẫu thuật.

Bước đầu chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu người

11/06/2015, 10:42

Chàng trai người Nga Valery Spiridonov, người đầu tiên trên thế giới tình nguyện trở thành đối tượng thí nghiệm cho ca phẫu thuật cấy ghép đầu người sẽ bay tới Mỹ trong tuần này để gặp bác sĩ phẫu thuật.

Anh Spiridonov, 30 tuổi, đã mắc phải chứng bệnh rối loạn gien hiếm gặp Werdnig-Hoffman khiến cơ thể chỉ như một đứa trẻ và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, ăn uống và hít thở. Anh tình nguyện làm người đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật cấy ghép đầu người, dù biết những nguy cơ có thể xảy ra.

“Tôi sẽ bay tới New York rồi tới Annapolis dự một hội thảo khoa học với bác sĩ Sergio Canavero. Tôi hy vọng chuyến đi của mình sẽ thuyết phục được giới y học và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng khoa học".

Spiridonov hy vọng đầu của anh sẽ được ghép vào một cơ thể phù hợp và khỏe mạnh trong vòng 2 năm tới. “Tôi không vội vàng với cuộc phẫu thuật, nhưng nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, ca phẫu thuật sẽ diễn ra sau 2 năm nữa, khoảng năm 2017. Nơi tôi sẽ thực hiện phẫu thuật cũng phụ thuộc nhiều vào kết quả hội nghị khoa học lần này, nhưng sẽ tốt hơn nếu tôi phẫu thuật ở Mỹ”.

Hầu hết những người mắc chứng Werdnig-Hoffman đều tử vong trong vài năm đầu đời, nhưng Spiridonov là một trong số 10% hiếm hoi sống sót tới tận tuổi trưởng thành. Cuộc sống của anh luôn phải gắn liền với chiếc xe lăn, và nếu ca phẫu thuật thành công, lần đầu tiên trong đời anh sẽ không còn phụ thuộc vào chiếc xe nữa.
Tuy vậy, Spiridonov vẫn rất thận trọng với quyết định của mình. “Tôi sẽ không vội vàng bảo người ta cắt đầu của tôi đâu. Ca phẫu thuật sẽ chỉ diễn ra khi tất cả mọi người tin rằng có 99% cơ hội thành công”.

Đây sẽ là lần đầu tiên Spiridonov và bác sĩ Canavero, người đề xuất phẫu thuật cấy ghép đầu gây tranh cãi, gặp nhau trực tiếp. Trước đó, cả hai chỉ trao đổi với nhau qua internet.

Spiridonov cho biết: “Tôi sẽ không nói về chuyện tôi có thích ông ấy hay không. Chúng tôi có cùng mối quan tâm, cùng mục tiêu, và chúng tôi sẽ cùng nhau đạt được những điều đó. Chúng tôi đang cùng tham gia vào một dự án lớn, và chúng tôi sẽ biến nó thành sự thật. Vấn đề ở đây không phải là có tin hay không. Chúng tôi phải làm hết sức mình”.
Spiridonov có thể lạc quan về ca phẫu thuật, nhưng những người khác thì hoài nghi hơn. Bác sĩ phẫu thuật hàng đầu nước Nga Anzor Khubutia cảnh báo rằng kế hoạch của bác sĩ Canavero là một sự liều lĩnh.
“Trong tương lai điều này có thể là sự thật. Nhưng lúc này rất khó để nói về ghép đầu người khi mà kỹ thuật tái tạo cột sống vẫn còn chưa đi đến đâu,” bác sĩ Khubutia nhận định.
Buoc dau chuan bi thuc hien ca phau thuat cay ghep dau nguoi
Bác sĩ Canavero (Ảnh: Internet)
Về phần mình, bác sĩ Canavero phủ nhận những nghi vấn về thực hư của ý định ghép đầu người. “Ca phẫu thuật này có ý nghĩa lớn về chính trị. Quốc gia đầu tiên thực hiện kỹ thuật ghép đầu người sẽ trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này, giống như Liên Xô là nước đầu tiên đưa người vào vũ trụ, hay Mỹ là nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng vậy”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 về kế hoạch phẫu thuật, bác sĩ Canavero cho biết sẽ chỉ mất chưa đầy một tiếng để ghép đầu Spiridonov vào cơ thể hiến tặng, nhưng toàn bộ ca phẫu thuật có thể kéo dài cả một ngày đêm.
“Đầu của Valery sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ 10 - 15 độ C, đó là kỹ thuật thường thấy khi phẫu thuật các vùng nằm sâu trong não. Chúng tôi sẽ có một tiếng đồng hồ để “đổi” cái đầu sang cơ thể mới, thêm vài phút nữa để nối các mạch máu, và 15 phút sau máu sẽ bắt đầu lưu thông. Tuy nhiên, toàn bộ ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 18 đến 24 giờ”.
Bác sĩ Canavero cũng không lo lắng về những gì người khác nghĩ về ông, cụ thể là biệt danh “bác sĩ Frankenstein” mà người ta đặt cho ông. “Tôi biết mình sẽ làm gì và đã chuẩn bị. Tôi đã có cả một đội quân những người phản đối rồi. Dù tôi có thất bại thì những người đi sau tôi cũng sẽ có được kinh nghiệm”.
Ông cũng thừa nhận mục tiêu cuối cùng của phẫu thuật ghép đầu "chính là sự bất tử" và hy vọng một ngày nào đó những nhà tài phiệt già cỗi sẽ trả tiền để phẫu thuật ghép đầu vào một cơ thể trẻ trung hơn.
Theo Vietnam+
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước đầu chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép đầu người