Việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà từ một chủ sang nhiều người sử dụng, dùng để kinh doanh, sản xuất, làm dịch vụ ngay tại nhà... nhưng không được quản lý, đến khi xảy ra hậu quả cháy nổ mới giật mình nhìn lại thì đã quá muộn.
Khoảng 0 giờ 30 ngày 24.5, vụ cháy nghiêm trọng tại một căn nhà trọ 3 tầng ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội khiến 14 người tử vong.
Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Thủ tướng cũng ký công điện yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về phòng cháy chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, dứt khoát xử lý nghiêm vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết gần đây trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
"Điều này không những thiệt hại lớn về tài sản mà có tới hàng chục người thiệt mạng trong một vụ cháy, hậu quả hết sức tang thương. Đây là thực trạng hết sức báo động trước tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy thời gian qua", ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của các vụ cháy đến từ hệ thống hạ tầng, xây dựng, giao thông khi cấp phép xây dựng không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy; nhà trong ngõ ngách đi lại di chuyển khó khăn nhưng vẫn được cấp phép xây dựng rất cao, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy; những hoạt động kinh doanh tại nhà ở phải bắt buộc đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng không được kiểm soát tốt…
“Đây là những hệ lụy lâu dài, có nguyên nhân gốc rễ sâu xa mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được, và khi chưa kịp khắc phục sửa sai thì lại xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy nửa đêm về sáng 24.5.2024 khiến 15 người thiệt mạng, vụ này xảy sau gần 8 tháng vụ cháy 56 người chết hồi tháng 9.2023”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, nguyên nhân hiện hữu trực tiếp hằng ngày là ý thức phòng cháy chữa cháy, sự bất cẩn trong sinh hoạt, trong công việc trong quản lý nguồn nhiệt… của một bộ phận người đang sử dụng, vận hành cơ sở, địa điểm, công trình dẫn tới cháy nổ. Vì thế muốn khắc phục tình trạng cháy nổ đang diễn biến hết sức phức tạp cần xử lý triệt để cả nguyên nhân sâu xa (gián tiếp) và nguyên nhân trực tiếp đến từ ý thức một bộ phận người dân.
Để xử lý triệt để tình trạng mất an toàn, vi phạm phòng cháy chữa cháy, ông Đồng cho rằng rất cần sự vào cuộc rà soát trên toàn TP.Hà Nội, TP.HCM và những tỉnh thành khác để xem xét tình trạng nhà ở riêng lẻ vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn vô tư chuyển đổi sang hình thức cho thuê, cho thuê lại, cho thuê kinh doanh, kinh doanh tại nhà, kinh doanh các sản phẩm, các dịch vụ dễ cháy nổ tại nhà.
“Việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà từ một chủ sử dụng sang nhiều chủ, nhiều người sử dụng, kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ ngay tại nhà nhưng không có bất kỳ cơ quan quản lý nào kiểm tra, xử lý… để đến lúc xảy ra hậu quả cháy nổ do kinh doanh tại nhà, trong khu dân cư, khi ấy tất cả mới giật mình bàng hoàng nhìn lại thì đã quá muộn”, ông Đồng nêu.
Vì thế, luật sư Đồng cho rằng “dù muộn còn hơn không”, rất cần các cơ quan ban ngành, cùng chính quyền tiến hành rà soát loại hình nhà ở riêng lẻ chuyển sang cho thuê trọ, chuyển sang kinh doanh tại nhà.
“Nếu những nhà ở riêng lẻ này không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng đang có quá nhiều người đang thuê ở tại đây, đang sản xuất hàng hóa dịch vụ, kinh doanh tại nhà thì cần kiên quết đóng cửa và yêu cầu dừng hoạt động. Chỉ cho phép một chủ sử dụng và không kinh doanh cho thuê nhà trọ, không kinh doanh bán hàng tại nhà. Khi ấy mới an toàn”, ông Đồng nói.
Luật sư Đồng cũng nêu, những nhà ở riêng lẻ xây mới cũng cần quy định có hệ thống phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng.
Theo luật sư, lâu nay cháy chung cư cao tầng thì người ta quan tâm tới chung cư cao tầng, khi cháy chung cư mini thì người ta quan tâm tới loại hình nhà chung cư mini (hồi tháng 9.2023) và nay cháy xảy ra tại “nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang cho thuê trọ, kết hợp kinh doanh tại nhà” (kinh doanh xe đạp điện) người ta lại mới giật mình quan tâm tới vi phạm phòng cháy chữa cháy của loại hình nhà này.
“Đã có sự quá bị động và chỉ đi xử lý hậu quả, đây là khoảng trống của pháp luật và hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở cơ sở, dễ dãi trong cấp phép xây dựng, trong chuyển đổi nhà ở và xử lý vi phạm”, ông Đồng nhấn mạnh.