Đại biểu cho rằng TP.HCM đang khá lúng túng và gần như buông trôi công tác bảo tồn di sản. Trong khi đó, di sản và kiến trúc đô thị là phần hồn của TP.HCM. Nếu nhìn vào di sản và kiến trúc đô thị như là cái lạc hậu cần phá dỡ thì đã đánh mất lịch sử hình thành của Sài Gòn.

Buông trôi việc bảo tồn di sản, cử tri lo đánh mất lịch sử Sài Gòn

Phan Thị Diệu | 09/12/2019, 06:10

Đại biểu cho rằng TP.HCM đang khá lúng túng và gần như buông trôi công tác bảo tồn di sản. Trong khi đó, di sản và kiến trúc đô thị là phần hồn của TP.HCM. Nếu nhìn vào di sản và kiến trúc đô thị như là cái lạc hậu cần phá dỡ thì đã đánh mất lịch sử hình thành của Sài Gòn.

Chiều 8.12, kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tụcthảo luận về tình hình bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.

TP.HCM buông trôi việc bảo tồn di sản

Thảo luận về công tác bảo tồn, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng thời gian qua, các cấp chính quyền đã có sự cố gắng trong việc duy tu, bảo dưỡng, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa gắn với việc phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự quyết liệt trong vấn đề bảo quản, bảo tồn di sản.

Chẳng hạn như nhà cụ Vương Hồng Sển, khi ông mất đã giao lại cho TP.HCM ngôi nhà và các đồ cổ do ông gìn giữ, sưu tầm trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa thấy thành phố có giải pháp và có thông tin bây giờ ngôi nhà không còn gì. Hay nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu có nhiều tư liệu về biển đảo và ông muốn gửi lại cho Thư viện Quốc gia ở TP.HCM nhưng qua làm việc với thư viện thì việc lưu giữ của thư viện rất khó khăn, dù việc này còn gắn với Trung ương.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng nói rằng, TP.HCM khá lúng túng và gần như buông trôi trong công tác bảo tồn, như phần di sản của học giả Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Trong khi đó, việc đưa ra vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố là khá cấp bách, kịp thời xu hướng TP.HCM với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.

Ông Khuê cũng nhìn nhận trong báo cáo giám sát ở phần kiến nghị chưa đề cập đến vai trò của Hội Di sản TP.HCM, một tổ chức mà thành phố cần sự tham vấn liên quan đến cảnh quan đô thị, bảo tồn di sản.

“Chưa có một thành phố nào như TP.HCM, khá phong phú về bảo tàng, khá giàu về cổ vật, nhưng rất tiếc thời gian qua do sự hiểu biết còn hạn chế, sự quản lý chưa đi vào nề nếp để xảy ra tình trạng hết sức xót xa về cách hành xử, ứng xử đối với báu vật.

Ban Tuyên giáo Thành ủy nhận được khá nhiều đơn thư kiến nghị cần quan tâm đến đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản, xem ngành văn hóa là sự cộng hưởng cam kết liên quan đến vấn đề tôn tạo, xây dựng phát triển đô thị. Di sản và kiến trúc đô thị là phần hồn của TP.HCM. Nếu chúng ta nhìn vào di sản và kiến trúc đô thị như là cái lạc hậu cần phá dỡ thì chúng ta đã đánh mất lịch sử hình thành của Sài Gòn”, ông Khuê nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, ông Khuê cho rằng TP.HCM phải phát huy hơn nữa vai trò của hội di sản, đẩy mạnh xã hội hóa việc trùng tu, bảo tồn và đồng thời phải thông tin nhiều hơn, quảng bá nhiều hơn để mọi người có sự trân trọng đúng mực với phần hồn của đô thị.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, để phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các hiện vật của các bảo tàng với 540.000 hiện vật, hàng năm, UBND TP.HCM cấp cho Sở khoảng 10 tỉ đồng để mua các hiện vật cho các bảo tàng. Về phía Sở và các bảo tàng đã vận động, mời gọi để mua các hiện vật có giá trị cho các bảo tàng; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật cho các bảo tàng.

Cần quan tâm các công trình quan trọng

Trên cơ sở đồng thuận cao của các đại biểu, chiều 8.12, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố.

HĐND TP.HCM đánh giá, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó. Đô thị Sài Gòn - TP.HCM với 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ và quý giá, phản ảnh giai đoạn hình thành và pháttriển trong không gian văn hóa sông nước độc đáo của văn hóa Nam bộ.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc đô thị. Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5); nhu cầu xây nhà cao tầng ở các khu đất “vàng” trên địa bàn quận 1, 3 (đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Phạm Ngọc Thạch...), đãgây tác động và thay đổi cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung và không gian nhiều công trình cổ nói riêng….

Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị, cần đặc biệt quan tâm những công trình rất quan trọng của TP.HCM như: Trụ sở UBND TP.HCM, Bưu điện TP.HCM, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Chùa Chantarangsay (Chùa Khmer), Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà... Hàng năm, UBND TP.HCM cần có kế hoạch lập hồ sơ lý lịch khoa học đối với các công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đặc biệt, Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, phân loại biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975 nhằm xác định các biệt thự cũ cần bảo tồn. HĐND TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM thiết lập giải thưởng kiến trúc di sảnnhằmcông nhận và vinh danh các chủ sở hữu, các chuyên gia và các nhà thầu bảo tồn trùng tu xuất sắc.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buông trôi việc bảo tồn di sản, cử tri lo đánh mất lịch sử Sài Gòn