Trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại, bán lẻ truyền thống do sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì kinh doanh mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến… đang có mức tăng trưởng khả quan nhờ việc đầu tư vào công nghệ.

Bứt phá sau đại dịch nhờ đầu tư vào nền tảng công nghệ

28/04/2020, 12:33

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại, bán lẻ truyền thống do sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì kinh doanh mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến… đang có mức tăng trưởng khả quan nhờ việc đầu tư vào công nghệ.

Bán lẻ trực tuyến đang tăng trưởng mạnh trong đại dịch - Ảnh: Internet

Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2.2020, chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35%-70%. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn.

Đơn vị vận chuyển Grab cũng nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng, hay Thế Giới Di Động giới thiệu sản phẩm “đi chợ thay cho khách hàng", bao gồm cả thực phẩm tươi sống.

Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Trước đó, thị trường bán lẻ trực tuyến mặc dù tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm vừa qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống (tăng trung bình 10% trong 5 năm) nhưng vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.

Tại thị trường châu Á Thái Bình Dương, bán lẻ đa kênh và bán lẻ trực tuyến hoạt động khá tốt trong mùa dịch, từ các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm đến xa xỉ phẩm như xe hơi, hoặc các dịch vụ như tham quan viện bảo tàng, tham quan bất động sản… đều có thể sử dụng được nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định với những diễn biến trong quý vừa rồi, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa với lượng dân số trẻ dồi dào và hơn 70% dân số kết nối Internet - một mức cao so với thế giới và châu Á. Đầu tư vào nền tảng công nghệ, bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng mới thiết yếu đối với các nhà bán lẻ.

Đáng chú ý, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng từng dự đoán doanh số của ngành giao thức ăn tận nhà trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm. Đến năm 2030, quy mô của thị trường sẽ tăng từ 35 tỉ USD lên mức 365 tỉ USD.

Không riêng gì lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thanh toán trực tuyến cũng đang tăng trưởng nhanh trong đại dịch COVID-19 này. Nhằm hạn chế sự lây lan virus SARS-CoV-2, Chính phủ ngay từ đầu đã khuyến nghị người dân hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, còn Ngân hàng Nhà nước đã cho khử trùng toàn bộ kho tiền để phòng ngừa lây lan.

Vì vậy, nhiều người chuyển sang thanh toán trực tuyến, thay vì dùng tiền mặt. Kết quả là từ đầu năm đến nay, lưu lượng thanh toán thông qua các kênh trực tuyến như Internet Banking hay ví điện tử tăng vọt. Hiện tại, theo báo cáo mới đây của JPMorgan, khoảng 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đang được thực hiện qua ví điện tử.

Con số này đã ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%). Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu tài khoản ngân hàng, tương đương 50% dân số. Trong bối cảnh COVID-19 hoành hành, cơ hội tăng tốc mạnh mẽ đang mở ra cho các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, nhất là 5 thương hiệu đang chiếm 90% thị phần là Payoo, MoMo, AirPay, Moca, FPT.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 còn là cơ hội cho các không gian làm việc linh hoạt cũng như các tòa nhà văn phòng khu vực ngoài trung tâm được quan tâm nhiều hơn. Các khách thuê đang dần nhận ra sự quan trọng của điều khoản thuê linh hoạt trước những thay đổi bất ngờ, khi mà họ buộc phải thu hẹp hoặc đóng mặt bằng thuê mà không phải chịu chi phí đầu tư quá lớn.

“Sau đại dịch COVID-19, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. Khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Thêm vào đó, các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn về yếu tố sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây. Các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh (LEED-certified) hội tụ đủ các yếu tố về môi trường, không gian thông thoáng đảm bảo không khí và ánh sáng đến nơi làm việc, tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng nhiều hơn trong tương lai”, bà Dung nhận định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bứt phá sau đại dịch nhờ đầu tư vào nền tảng công nghệ