Thời gian gần đây, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau vô cùng bức xúc trước việc đất nhà mình bỗng dưng được cắm biển rao bán. Chủ nhân của những mảnh đất này đều khẳng định, họ không hề bán đất và chẳng biết động cơ, mục đích của những kẻ cắm biển bán đất kia là gì?

Cà Mau: Đất nhà đang ở bỗng dưng bị rao bán

01/09/2019, 10:44

Thời gian gần đây, người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau vô cùng bức xúc trước việc đất nhà mình bỗng dưng được cắm biển rao bán. Chủ nhân của những mảnh đất này đều khẳng định, họ không hề bán đất và chẳng biết động cơ, mục đích của những kẻ cắm biển bán đất kia là gì?

Gần đây, tình trạng bán đất ảo ở Cà Mau ngày càng nhiều - Ảnh: Trần Cung

Nhiều hộ dân bức xúc khi đất mình bỗng dưng bị rao bán

Anh A. ngụ xã Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cách đây khoảng 1 tháng, gia đình tôi có phát hiện tự nhiên ở đâu có người đem biển cắm bán đất ngay miếng đất nhà tôi. Khi đó, hàng xóm họ bàn tán dữ lắm, họ nói gia đình tôi sao tự nhiên bán đất, họ đặt nghi vấn… Nhưng gia đình mới giải thích rằng tự nhiên ai đem biển cắm rao bán chớ gia đình đâu có bán”.

Anh A. còn cho hay, những đối tượng cắm biển bán đất kia không chỉ cắm biển rao bán đất nhà của anh mà còn cắm phía bên đất của 1 nhà kế bên. “Khi phát hiện, chủ nhân của mảnh đất này bức xúc nên chửi dữ lắm. Mà thấy cắm biển phát hiện thì chửi vậy thôi chớ đâu có biết ai đâu. Khi phát hiện, ai cũng bức xúc hết, vì đất nhà không kêu bán mà tự nhiên xảy ra sự việc như vậy”, anh A. kể lại.

Những kẻ giấu mặt ghi chữ lên tấm biển và cắm lên gốc cây - Ảnh: Trần Cung

Người dân địa phương này rất ngờ vực, họ cho rằng đây là chiêu trò của những đối tượng lạ mặt. Nhưng động cơ, mục đích của những kẻ này là gì thì họ không biết được. Anh A. còn ngờ vực: “Cũng có thể đây là chiêu trò của kẻ xấu, chúng cắm biển bán đất rồi chụp hình lại, sau đó đăng lên mạng xã hội Zalo, Facebook để rao bán, nhiều người thấy được thì liên hệ với chúng. Tôi nghĩ, mục đích của chúng là lừa đảo để lấy tiền cò hoặc tiền đặt cọc thôi. Khi nhận được tiền, bọn chúng cao chạy xa bay, chứ làm gì bán được đất”.

Khi nghe PV đặt câu hỏi, nếu gia đình không phát hiện được sự việc và một số đối tượng này bán được đất thì mình có nghĩ tới hậu quả ra sao hay không? Anh A. cho rằng: “Nếu việc mua bán trót lọt thì hậu quả sẽ ảnh hưởng cho người mua thôi, chứ đất của mình thì bọn chúng bán không được rồi, còn người mua khi bị chúng lừa, chắc sẽ cảm thấy đau đớn lắm.

Còn trường hợp, chúng làm được giấy tờ đất giả bán được đất thì gia đình mình cũng không ảnh hưởng gì cả nhưng khi đó, sẽ có nhiều chuyện xảy ra như người mua họ đến cự cãi, hỏi mình tới lui sẽ rắc rối, phức tạp thôi”. Anh A. cũng cho hay, gia đình không có trình báo do chưa phát sinh hậu quả gì, nên khi phát hiện sớm sẽ tháo dỡ vứt đi.

Trước đó, ở H.Ngọc Hiển cũng xảy ra tình trạng tương tự, khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Ông H., ngụ TT.Rạch Gốc, cho biết: “Đất nhà tôi đang canh tác, không có nhu cầu buôn bán gì, nhưng gần đây lại có kẻ rao bán, rồi để cả số điện thoại luôn. Tôi điện vào số điện thoại thì gặp 1 người nói giọng miền Bắc, tôi có hỏi thì người đó nói là đất của bà chị nào đó kêu rao bán. Sau đó, họ có cung cấp cho tôi 1 số điện thoại nói là của người bán, nhưng khi tôi gọi và trao đổi qua điện thoại thì người ta nói không biết”.

Ông H. cũng nói, không hề trình báo chính quyền vì không biết đối tượng rao bán ở đâu. “Trình về cái gì bây giờ? Tôi đâu có biết kẻ đó ở đâu mà trình. Tôi nói chuyện thì nó nói nó ở đâu Cà Mau gì đó, tôi không nhớ tên gì. Tôi nghĩ bọn chúng làm như vậy mục đích là để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản những khách hàng nhẹ dạ”, ông H. cho biết thêm.

Có thể là chiêu trò của cò đất?

Để hiểu rõ hơn về việc này trong giới cò đất, PV đã có cuộc trò chuyện với anh T. - đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở Cà Mau và được anh này chia sẻ về hoạt động chuyên môn, cũng như những “mánh khóe” làm ăn mà anh T. biết được của giới đồng nghiệp của mình trong quá trình hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Anh T. cho rằng, một số trường hợp cắm biển bán đất trên phần đất của người khác, khi chưa được chủ nhân mảnh đất đồng ý, chỉ là chiêu trò của cò đất.

Họ cắm biển rao bán như vậy là ở trong khu vực này có 1 miếng đất được rao bán thật và chỉ một mục đích duy nhất là mong muốn miếng đất đó bán được giá cao, nhờ những miếng đất “chim mồi” này. “Khi khách người ta cần 1 miếng đất ở vị trí nào đó và họ muốn mua khoảng 1 - 2 công đất vườn có xe ô tô 4 bánh vào được thì khoảng 200 triệu/công thôi, nhưng đến tay cò đất thì họ kê lên khoảng 500 triệu. Để kê giá lên cao, thì theo tuyến đường đi vào vị trí mảnh đất đang bán, họ in ấn vài tấm biển cắm đại lên gốc cây ven đường, mấy tấm biển đó có bao nhiêu tiền đâu”, anh T. chia sẻ.

Theo anh T. khi cắm biển bán, thì họ cung cấp số điện thoại trên tấm biển, nhưng hầu hết đó là số điện thoại của một nhóm cò, họ đã trao đổi với nhau hết rồi. “Đó là “bài” của cò đất, nếu khách gọi vào là dính bẫy liền. Có miếng rẻ, miếng mắc, nhưng miếng mắc thường là miếng của bọn cò và thường là ở vị trí đẹp. Thông thường, những miếng đất ảo, khi giới thiệu với khách, họ thường chê bai dữ lắm vì mục đích là muốn bán miếng đất thật”, anh T. cho hay.

Tình trạng bán đất ảo xuất hiện chủ yếu ở vùng nông thôn - Ảnh: Trần Cung

Khi PV hỏi, nếu ý khách muốn mua miếng rẻ hơn và lại là miếng đất “ảo” thì cò đất xử lý như thế nào? Anh T. nói, đó chỉ là chiêu trò thôi, chứ làm gì bán được. Khi đó họ sẽ nói đất đó đang tranh chấp như thế này, thế kia, hoặc là có người đặt cọc rồi… “Nhiều chiêu trò lắm. Cò chỉ bán được miếng đất thực tế thôi, còn những miếng đất kia “ảo”, mục đích là để đẩy giá miếng đất muốn bán lên cao , anh T. khẳng định.

Trong quá trình trao đổi với PV, anh T. có chia sẻ về những “mánh khóe” của những tay cò đất. Họ rất ma mãnh và biết cách nắm bắt tâm lý của khách hàng. Thông thường những mánh khóe, chiêu trò này sẽ làm cho khách hàng vô cùng tin tưởng.

“Tôi lấy ví dụ, cò đất họ mua 1 công đất vuông, ngay cạnh mặt đường ở nông thôn. Sau đó, họ bơm cát nền lên cao và tự xẻ lộ ngang 3 mét hoặc 4 mét gì đó. Mua 1 công khoảng 200 triệu thôi và bơm đất nền lên cao, xẻ lộ luôn tối đa mất tổng cộng 400 triệu, và khi bán nền thì giá rất cao, mỗi công tính ra giá trên 1 tỉ là chuyện thường”, anh T. nói.

PV thắc mắc, nếu xẻ lộ một đoạn thì khách mua người ta không biết hay sao? Lúc này, anh T. nói thêm, người mua thường là khách dưới huyện lên, nên họ ít chú ý đến điều này vì họ thích thanh tịnh, an nhàn. Theo lời anh T. chia sẻ thì đó là chiêu trò của cò đất chuyên nghiệp thường thấy, riêng anh T. thì anh làm đúng pháp luật, không lươn lẹo, lừa dối khách hàng.

Trước thực trạng trên, rất mong các cơ quan chức năng chuyên môn cần vào cuộc xác minh, làm rõ những bức xúc của người dân về tình trạng đất nhà mình bỗng dưng bị rao bán, cũng như những chiêu trò của một số cò đất, để tránh tình trạng một số đối tượng lừa đảo lợi dụng khách hàng nhằm trục lợi bất chính. Khi đó, hậu quả xảy ra sẽ rất khó lường…

Trần Cung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Đất nhà đang ở bỗng dưng bị rao bán