Cá đồng hiện có giá trị kinh tế cao nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã quy hoạch lại vùng nuôi nhằm khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cà Mau: Khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng

Trần Khải 07/10/2024 15:08

Cá đồng hiện có giá trị kinh tế cao nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã quy hoạch lại vùng nuôi nhằm khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên.

Nhắc đến rừng U Minh Hạ, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất ngập ngọt, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều sản vật có giá trị, vang danh một thời như rùa, rắn, cá đồng… Tuy nhiên, giờ rùa, rắn hổ... đã nằm trong sách đỏ, cấm săn bắt và được bảo tồn. Trong khi đó, cá đồng dù chưa đến mức khan hiếm phải đưa vào “sách đỏ” nhưng trước việc khai thác cá non trái phép của nhiều người, nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên dần cạn kiệt.

Để nhân rộng và phát triển nguồn lợi cá đồng trong tự nhiên, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân dưới tán rừng, UBND huyện U Minh (Cà Mau) đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường cong tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và phát triển nguồn lợi cá đồng theo phương châm “Không đánh bắt cá non, chỉ bắt cá đạt kích cỡ lớn”.

Hơn 10 năm nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình, ông Trần Việt Hồng (53 tuổi), ngụ ấp 14, xã Nguyễn Phích nắm rất rõ quy luật phát triển của những loài cá này trong tự nhiên. Nhờ có kinh nghiệm nên số lượng cá giống được ông Hồng thả nuôi rất ít bị hao hụt, lớn nhanh và ít bệnh. Với cách thức nuôi hoàn toàn vào tự nhiên, cá tự tìm thức ăn trong tự nhiên nên lượng cá sau khi thu hoạch được người tiêu dùng rất ưa chuộng và liên tục đặt hàng cá của ông Hồng.

“Tôi có 5ha diện tích đất rừng, tận dụng trên bờ tôi trồng tràm, dưới kênh, mương tôi thả nuôi cá đồng. Cá giống tôi cứ thả nối liên tục và ngày nào cũng thu hoạch bán cá nên. Cá lớn hoàn toàn tự nhiên và tôi dùng lưới cỡ lớn hoặc đặt lọp để bắt. Ngày xưa làm ruộng, có mặt bằng để cá sinh sống và sinh sản rất nhiều, bây giờ do đào kênh, mương để trồng tràm do kênh nước sâu nên lượng sinh sản của cá không đạt tỉ lệ cao như ngày trước”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, cá đồng tự nhiên hiện rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao, dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Trung bình, hằng năm ông Hồng thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán cá đồng.

cho-an.jpg
Ông Trần Việt Hồng, ngụ ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh nuôi cá đồng để phát triển kinh tế gia đình

Ông Hồng là hộ dân vừa được Hội nông dân huyện U Minh lựa chọn thực hiện dự án nuôi cá đồng. Điều kiện để được lựa chọn là hộ dân phải có vuông, nguồn nước ngọt, không trồng keo lai trên toàn diện tích… thì được nhà nước đầu tư 60kg cá giống (40kg cá trê vàng và 20kg cá sặc rằn) kèm theo thức ăn.

“Tôi triển khai dự án được 2 tuần nay, bước đầu cá còn nhỏ nên nuôi trong màn dèo, phải cho ăn thức ăn để tránh bị hao hụt. Khi cá đạt kích cỡ nhất định, đủ sức tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên thì tôi sẽ thả ra môi trường lớn hơn để chúng tự sinh trưởng và phát triển”, ông Hồng cho hay.

ca-tre-dong.jpg
Cá trê vàng được nuôi trong màn dèo trước khi thả ra môi trường tự nhiên

Ông Hồng chia sẻ thêm, kỹ thuật nuôi cá đồng khá đơn giản, không tốn quá nhiều công chăm sóc. “Lúc cá nhỏ, mình làm dèo nuôi chúng trong màn lưới, khi cá khoảng 30 ngày tuổi thì thả ra môi trường tự nhiên có rất nhiều thức ăn như tôm tép, cá tạp, rong tảo… Cá đồng khi thả ra ngoài tự nhiên rất ít bệnh, khỏemạnh nên tỉ lệ hao hụt rất thấp”, ông Hồng nói.

Để nguồn lợi cá đồng được nhân rộng và phát triển, chính quyền tỉnh Cà Mau nói chung và huyện U Minh nói riêng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác cá non hoặc đánh bắt cá bằng cách xung điện kiểu tận diệt. Kết quả, bước đầu cho thấy ý thức người dân chấp hành khá tốt, nhiều người dân còn tự nguyện giao nộp dụng cụ bắt cá cho cơ quan chức năng.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, đầu năm 2024, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo cho Phòng NN-PTNT phối hợp với Hội nông dân huyện và các đơn vị có liên quan xây dựng 3 dự án nuôi cá đồng ở 3 xã gồm Khánh An, Khánh Thuận và Nguyễn Phích, tổng diện tích nuôi là 48ha, với 33 hộ tham gia.

“Kinh phí thực hiện các dự án được sử dụng từ nguồn vốn khoa học và công nghệ huyện 2024 và vốn đối ứng của các hộ dân tham gia dự án. Đối tượng nuôi gồm cá lóc, cá rô và cá trê vàng, tỷ lệ 1 con/m2, giai đoạn đầu cá giống được thả trong ao dèo, cho ăn thức ăn viên để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Sau đó, sẽ thả ra ngoài rừng ăn thức ăn tự nhiên”, ông Thịnh nói.

man-deo.jpg
Màn dèo cá giống

Theo lãnh đạo UBND huyện U Minh, đến nay, dự án đã được triển khai thực hiện và đạt trên 95% khối lượng công việc, hiện đã thả 230.100 con giống (cá sặc rằn 117.600 con, cá trê vàng 112.500 con). Qua khảo sát của ngành chuyên môn, cá đang phát triển tốt, trọng lượng khoảng 40 - 50 con/kg. Để dự án mang lại hiệu quả, ngành chuyên môn huyện U Minh đã tổ chức tập huấn cho 90 hộ dân trong vùng thực hiện dự án về kỹ thuật nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi cá đồng, kết hợp tuyên truyền thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên.

“Mục tiêu chính của các dự án là nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá đồng. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá đồng tự nhiên; đồng thời giúp nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, giúp tăng năng suất và giá trị kinh tế từ nguồn lợi cá đồng; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tiểu vùng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần phát triển nguồn lực xây dựng nông thôn mới”, ông Thịnh cho biết thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng hiệu quả tài chính dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
12 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (ĐSTĐC) và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng