Buôn Ma Thuột đã và đang là thành phố cà phê của Việt Nam, điểm đến của cà phê thế giới. Tiềm năng về cà phê Tây Nguyên còn rất lớn.

Cà phê Việt - niềm vui và hy vọng

Nguyễn Văn Lạng | 16/10/2023, 11:55

Buôn Ma Thuột đã và đang là thành phố cà phê của Việt Nam, điểm đến của cà phê thế giới. Tiềm năng về cà phê Tây Nguyên còn rất lớn.

Tôi đã có 30 năm sống và gắn bó với Đắk Lắk, Đắk Nông từ 1975 - 2005 và nhất là với cây cà phê. Vùng cao nguyên đất bazan màu mỡ với khí hậu ôn hòa, hai mùa mưa nắng là điều kiện thuận lợi cho nhiều cây trồng với quy mô diện tích lớn nhất đất nước, tạo nên thương hiệu lớn trên thế giới. Trong số đó, không thể không nhắc tới cà phê Buôn Ma Thuột. Nó nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Và đến những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 này, cà phê Buôn Ma Thuột càng nổi tiếng.

Trước hết đó là mặt hàng xuất khẩu góp vào kim ngạch 3 - 4 tỉ USD/năm, với nhiều loại cà phê thương hiệu được thế giới biết tới. Hôm vừa rồi đọc báo, tôi biết Công ty Cà phê Trung Nguyên khai trương quán Trung Nguyen Coffee tại Little Saigon trên đất Mỹ. Bỗng nhiên tôi nhớ lại khi còn làm việc tại Đắk Lắk đã từng đọc các tin trên báo Nhật Bản và Singapore, chẳng hạn “Quả bom Trung Nguyên đã nổ tại Tokyo”, “Trung Nguyên xâm nhập thị trường Singapore”… Với doanh số trên 6.200 tỉ năm 2022 thì Trung Nguyên là thương hiệu lớn về cà phê với cà phê chế biến sâu và cao cấp.

Một tin vui khác là Công ty Xuất nhập khẩu 2.9 - SIMEXCO của Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa được giải thưởng Doanh nghiệp châu Á năm 2023 - Asia Pacific Entrepreneurship (APEA). SIMEXCO đạt kim ngạch 250 triệu USD/năm rất xứng đáng với sự ghi nhận ấy. Ngoài ra, anh Lê Đức Huy - Tổng giám đốc SIMEXCO được nhận danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc châu Á” (Matster Entrepreneur Award)”.

Nói tới cà phê Việt, không thể không nhắc đến Công ty Cà phê An Thái. Đơn vị này với nhà máy lớn hiện đại, mỗi năm xuất khẩu hơn 10.000 tấn cà phê hòa tan thành phẩm dạng nguyên liệu chưa đóng gói. An Thái là đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này, đạt doanh số trên 100 triệu USD/năm.

Hàng loạt các thương hiệu cà phê ngon nổi tiếng của các nhà đầu tư khởi nghiệp trẻ đã ra đời. Mọi sự chỉ phát triển nhanh mạnh sau thành công của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Buon Ma Thuot Coffee Festival năm 2005. Tại lễ hội này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Hoàng Văn Phong đã trao chứng nhận Chỉ dẫn cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi gồm tôi, Đặng Lê Nguyên Vũ, Lê Đức Thống, Nguyễn Xuân Thái, Trần Minh Thuỵ… đã thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh nhận chứng chỉ quý báu ấy. Và sau đó ít năm, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận, cho phép Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm/lần… Với sự nỗ lực của cả người dân lẫn doanh nghiệp, lại được sự ủng hộ của nhà nước từ trung ương tới địa phương…, cà phê Đắk Lắk, cà phê Buôn Ma Thuột đã thành công, lan tỏa rộng khắp, có tiếng tăm trên toàn cầu.

Trong thành công ấy, chớ quên kể mấy trăm xưởng rang xay, chế biến cà phê bột cả thông thường và hòa tan, cả sấy lạnh và sấy rang nóng. Đó là những tên tuổi: Vương Thành Công, Uyên Phương, Arabica Coffee, Bazan Coffee, E De Coffee, Ecoffee, Simexco Coffee, Cà phê Ê Ban, Icoffee… Cà phê chồn Kiên Cường do tôi giúp hơn 20 năm cũng thành danh trong và ngoài nước. Các sản phẩm khác từ cà phê như trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê, rượu quả cà phê, bánh kẹo và gỗ mỹ nghệ từ thân gốc cà phê già… cũng đem về số thu không nhỏ.

Buôn Ma Thuột đã và đang là thành phố cà phê của Việt Nam, điểm đến của cà phê thế giới. Tiềm năng về cà phê Tây Nguyên còn rất lớn. Hy vọng đề tài khoa học và dự án tài trợ của Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) và Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tại SIMEXCO Đắk Lắk sẽ thành công tạo thêm sản phẩm mới trong chuỗi giá trị cà phê Đắk Lắk. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ rồi 10 tỉ USD đang đặt ra với cà phê Việt Nam trong tương lai gần.

Tôi và nhiều người tin rằng sẽ thêm nhiều thương hiệu cà phê Đắk Lắk, cà phê Việt Nam vươn ra thị trường thế giới như Trung Nguyên, Vinacaphe, Anthais, Kings… đã mở đường. Con đường lớn, rộng dài, và đầy hy vọng cho cà phê Việt. Xin chung vui và chúc mừng Trung Nguyên, Simexco, Vinacaphe, Anthais, Kings…, cũng như người làm cà phê Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… và cả nước.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Bài liên quan
Nước, hạn hán và cà phê ở Tây Nguyên: Tìm lối ra cho sự phát triển lâu dài của cây chủ lực
Tây Nguyên đang vào cuối mùa khô. Nhưng theo dự báo, năm nay mùa khô có thể kéo dài tới cuối tháng 5. Khi nào bướm bay rợp trời, lao lia lịa vào kính xe trên đường thì báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên sắp về. Năm 1994 - 1995 và cả năm 2005 nữa, Tây Nguyên từng đại hạn, nhưng có lẽ năm nay hạn nặng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà phê Việt - niềm vui và hy vọng