Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT), trên cơ sở nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường, có thể Luật Quy hoạch chưa đề cập đầy đủ thì các Bộ hãy cùng Bộ KH-ĐT giải quyết vấn đề đó.
Nhiều Bộ, ngành phản đối Dự thảo Luật Quy hoạch
Dự án Luật Quy hoạch được Chính phủ thống nhất trình ra Quốc hội, nhưng trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại diện nhiều Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… lại đột ngột phản đối nhiều nội dung của dự luật.
Trong những ý kiến không đồng thuận, chỉ có Bộ Xây dựng là bày tỏ rõ ràng sự phản đối của mình. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn ở cấp vùng, cấp tỉnh; 10.000 quy hoạch cấp xã.
Bên cạnh đó, ông Toàn cho rằng cần cân nhắc quy định chỉ được dùng ngân sách Nhà nước lập quy hoạch. Bởi vì, tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, nhất là các địa phương vùng cao.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch chia sẻ, dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận ở tổ và ở hội trường với kết quả được đánh giá rất cao, gần như được Đại biểu Quốc hội đồng tình 100% nhưng khi trình ra Uỷ ban Thường vụ, các bộ ngành vẫn cứ giữ tình trạng cũ, nói ngược lại.
“Các Bộ vẫn quyết giữ lấy công việc và không chịu đổi mới. Hiện tượng này kéo lùi sự phát triển và duy trì mãi sự trì trệ. Nếu chúng ta cứ làm việc theo cách đó thì không thể có sự đổi mới được. Chúng tôi đã đi trực tiếp các bộ để bàn từng vấn đề nhưng cuối cùng ra Thường vụ vẫn như thế”- ông Các nói.
Ông Vũ Quang Các cho biết, Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng đầu tư công và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Quy hoạch trái kinh tế thị trường sẽ tạo ra rào cản
Theo ông Vũ Quang Các, những quy hoạch làm không đúng bản chất của kinh tế thị trường thì chắc chắn sẽ tạo ra những rào cản, biến thành một loại “giấy phép con” gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu bản quy hoạch đó đưa ra những vấn đề rõ ràng, giúp cho cơ quan quản lý được, người dân tiếp cận được thì bản quy hoạch đó sẽ có lợi.
“Đa số các quốc gia hiện nay lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Điều này có thể góp phần giải quyết xung đột về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam vẫn lập quy hoạch phương pháp cũ, riêng rẽ nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch” – ông Các nói.
Vị này cũng cho rằng, những quy hoạch kiểu cũ nếu không cẩn thận còn dẫn đến việc Việt Nam bị kiện bán phá giá. Những quy định của Luật Thương mại đã đưa ra những điều kiện cạnh tranh, nếu cạnh tranh mà có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ không bao giờ được thế giới chấp nhận.
Chính vì vậy, theo ông Các, những loại quy hoạch mà dựa vào nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước thì chưa đúng với môi trường kinh tế thị trường. Do đó, nếu đi ra thế giới thì chắc chắn sẽ bị phản đối, không có lợi cho việc hội nhập.
Ông Các cũng kiến nghị với các Bộ, trên cơ sở nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường, có thể Luật Quy hoạch chưa đề cập đầy đủ thì các Bộ hãy cùng Bộ KH-ĐT giải quyết vấn đề đó. Phải điều chỉnh Luật Quy hoạch theo hướng kinh tế thị trường, phải bãi bỏ những quy hoạch không phù hợp với kinh tế thị trường.
Nói với tờ Kinh tế đô thị, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định: “Các bộ chưa đồng tình vì bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch và chưa hiểu rõ chi tiết về các quy định, điều khoản trong luật, sợ ảnh hưởng đến quy hoạch hiện có. Nhưng thật ra không phải, muốn sự điều tiết của Nhà nước nhất thiết phải có một quy hoạch chung. Ở các nước phát triển đều lấy quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch quốc gia làm chính, tất cả làm theo từ lâu rồi. Chứ không thể tùy tiện như chúng ta, muốn làm quy hoạch thế nào thì làm”.
Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng tỏ ra hết sức bất ngờ khi các Bộ lại tiếp tục có ý kiến khác nhau về dự thảo luật. Bộ trưởng cho rằng cần thống nhất nguyên tắc làm việc. Bởi vì dự thảo Luật Quy hoạch đã đầy đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghĩa là đã được Chính phủ thông qua.
“Khi đã trình ra Thường vụ Quốc hội thì ý kiến của đại diện các bộ chỉ có tính tham khảo, không phải chính thức. Vì Chính phủ trình dự thảo Luật ra Thường vụ Quốc hội rồi, mà đại diện các Bộ ngành lại nói ngược, nói khác thì trái với nguyên tắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với lợi ích chiến lược dài hạn. Bộ KH-ĐT cũng như các cơ quan kế hoạch và đầu tư trong lập quy hoạch, kế hoạch chắc chắn có va chạm, vì vậy Bộ cần có dũng khí trong vấn đề này. Nếu tự tin điều đó là đúng thì với cần quyết tâm bảo vệ cho được”.
(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)
“Đây là luật khung, phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí khi ngành ngành, tỉnh tỉnh quy hoạch mà không liên kết được với nhau. Các ngành không mất chức năng quy hoạch, chỉ là không được trái quy hoạch tổng thể quốc gia mà phải ngồi lại với nhau để khắc phục được quy hoạch hiện nay”.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân)
Hoài Phong