Dù EVN chưa nghiêng về phương án nào trong cách tính giá điện nhưng các chuyên gia kinh tế đều cực lực phản đối phương án đồng giá và ủng hộ phương án bậc thang lũy tiến, đồng thời chỉnh sửa thêm trong cách tính.

Các chuyên gia kinh tế phản đối tính đồng giá điện 1.747đồng

Một Thế Giới | 23/09/2015, 06:00

Dù EVN chưa nghiêng về phương án nào trong cách tính giá điện nhưng các chuyên gia kinh tế đều cực lực phản đối phương án đồng giá và ủng hộ phương án bậc thang lũy tiến, đồng thời chỉnh sửa thêm trong cách tính.

Chuyên gia cực lực phản đối tính đồng giá điện 1.747 đồng/kWh
Ngày 16.9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố dự thảo 3 phương án tính giá điện. 
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên biểu giá với 6 bậc thang như hiện tại. Phương án thứ 2 là áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh và phương án 3 là rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản khác nhau. Những phương án này đang gây phản ứng không đồng thuận trong dư luận xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo "Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán bán lẻ điện" do EVN tổ chức ngày 22.9, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, từ năm 2009 đến nay, chưa lần nào EVN nhận được sự đồng thuận của dư luận trong vấn đề tính giá điện, lần nào cũng bị phản ứng. Ngoài lý do ảnh hưởng đến kinh tế người dân thì EVN còn bị phản ứng vì thiếu minh bạch.

Còn ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, trong 3 phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra, EVN vẫn chưa có sự lựa chọn cụ thể cho phương án nào.

“Phương án được chọn phải thoả mãn các yêu cầu khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, tạo điều kiện quản lý kiểm tra giám sát, ít nhược điểm nhất, làm tăng giá đến đối tượng bị tác động nhiều, có sự ổn định"-  ông Thoả cho hay.

Cũng trong hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cũng phân tích kĩ lưỡng về ưu, nhược điểm của 3 phương án và đa số đều nghiêng về cách tính giá điện bậc thang lũy tiến, phản đối cách tính đồng giá.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, bất hợp lý lớn nhất là không tạo sự hài hòa trong lợi ích giữa các bên Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo ông Long, Việt Nam là nước nghèo, phân tầng xã hội lớn nên phải có thủ pháp phân hóa giá với các đối tượng khác nhau và ông ủng hộ phương pháp tính giá điện theo bậc thang lũy tiến.

Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long lưu ý rằng, khoảng cách giữa các bậc thang phải được nới ra, chênh lệch giữa các bậc thang giảm xuống. Ông Long cũng chỉ ra rằng, việc EVN so sánh giá điện Việt Nam với giá điện thế giới là khập khiễng.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho hay, giá điện chia như thế nào thì chia nhưng phải đảm bảo được quyền lợi số đông. Điện là ngành sản xuất đặc thù nên với nguồn lực của đất nước hiện nay, Việt Nam khuyến khích dùng điện một cách tiết kiệm chứ không khuyến khích dùng nhiều để cho giá rẻ đi.

Ông Kiên cũng ủng hộ cách chia điện theo bậc thang lũy tiến, còn việc chia bao nhiêu bậc là phải cân nhắc, xem xét kĩ lưỡng.

“Tính gì thì tính phải quan tâm đến số đông người nghèo. Ở địa phương tôi, sản lượng điện tiêu dùng của hộ nghèo, cận nghèo ở mức 150 kWh/tháng chiếm khoảng 60% tổng số hộ gia đình. Còn hộ dân dùng trên 400 kWh/tháng chiếm 4,7%. Thời qua báo chí đang kêu hộ cho người giàu”, ông Kiên nói.

Bên cạnh đó, ông Kiên cũng nói thêm, người tiêu dùng điện đòi hỏi EVN tăng cường công tác quản trị, hạn chế dùng quá nhiều nhân lực cho những công việc không quá cần thiết.
Người dân chỉ đòi hỏi công bằng, minh bạch trong hoạt động của EVN
Phát biểu tại hội thảo, đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, đặt vào vị trí người tiêu dùng thì chuyện giá cả rất nhạy cảm, phải để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, Nhà nước. Giá điện phải khuyến khích tiết kiệm trong tiêu dùng.

“Nên áp dụng theo giá lũy tiến chứ không thể theo phương án đồng giá. Người tiêu dùng chỉ đòi hỏi công bằng và minh bạch trong hoạt động của EVN chứ giờ họ cũng hiểu biết, họ không phải chỉ đòi hỏi lợi ích về mình” – ông Hùng cho hay.

Cũng phản đối phương án đồng giá, GS. TS Trần Đình Long cho hay, trong giai đoạn cung chưa đáp ứng được cầu thì tôi không ủng hộ phương án 1 giá. Nếu đồng giá thì chúng ta đang tụt lùi về cách đây 20 năm, hoặc chúng ta đang nhảy vọt lên trước vài chục năm, khi chúng ta đã có thị trường bán điện cạnh tranh.

“Bao nhiêu bậc thang cho giá điện thì không quan trọng vì tổng doanh thu đã được xác định theo Quyết định của Thủ tướng. Phương án 3 bậc thì quá thô và cũng rất ít quốc gia sử dụng mức giá này. Nên dùng thang 5 bậc, chỉ cần gộp bậc 1 và bậc 2 trong thang 6 bậc hiện nay lại và điều chỉnh một số điểm”- ông Long cho hay.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia kinh tế phản đối tính đồng giá điện 1.747đồng