Theo đánh giá từ Bộ KH-CN, các địa phương đã nỗ lực xây dựng, cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH-CN trên địa bàn; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-CN; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế…

Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, phát triển sản phẩm chủ lực

29/05/2020, 15:46

Theo đánh giá từ Bộ KH-CN, các địa phương đã nỗ lực xây dựng, cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH-CN trên địa bàn; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-CN; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế…

Hội nghị được tổ chức tại Bộ KH-CN - Ảnh: Bộ KH-CN

Theo thống kê từ các Sở KH-CN, năm 2019 các địa phương đã triển khai thực hiện 3.707 nhiệm vụ KH-CN các cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở), trong đó có 1.393 nhiệm vụ mở mới, còn lại là chuyển tiếp. Tỷ lệ các nhiệm vụ mở mới được chia theo lĩnh vực, cụ thể là Khoa học nông nghiệp (30,87 %), Khoa học kỹ thuật và công nghệ (26,99 %), Khoa học xã hội (18,02%), Khoa học nhân văn (3,73%), Khoa học tự nhiên (4,02 %), Khoa học y - dược (16,58%).

Các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH-CN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.

Theo báo cáo Kết quả hoạt động KH-CN địa phương năm 2019 tại Hội nghị Giám đốc Sở KH-CN toàn quốc diễn ra ngày 29.5, hoạt động này được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương nên đã phát huy được kết quả nghiên cứu ứng dụng.

Dấu ấn của KH-CN trong ngành thủy sản

Là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương, kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH-CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuối giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…

Riêng ngành thủy sản, KH-CN đã góp phần không nhỏ trong việc đưa các giống mới và có ứng dụng công nghệ nuôi trồng nên trong năm qua đạt mức tăng trưởng cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Điển hình như tỉnh Cà Mau trong năm qua đã đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả; gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ) để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Hồng Kông, Trung Quốc… Trong đó, có những thị trường đang tăng trưởng khá ấn tượng, như Mỹ tăng 34,16%, Trung Quốc tăng 15,86%.

Ngoài Cà Mau, Hải Phòng cũng là địa phương đã mở rộng phạm vi với 12.472 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (tăng 4.199 ha so với đầu năm). Sản lượng nuôi trồng tăng chủ yếu tại các khu vực nuôi trồng nước lợ và nước ngọt, năng suất cao của một số loại chủ lực như cá vược, trắm đen, rô phi... Đến nay, Chi cục Thủy sản đã tiến hành thẩm định, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho 14 lô hàng, trọng lượng 350 tấn.

Đầu tư, đổi mới công nghệ

Đối với ngành Khoa học kỹ thuật và công nghệ, tập trung việc nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Trong đó, chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Trong lĩnh vực này, nhiều địa phương ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất gạch cốt liệu không nung để thay thế cho gạch nung truyền thống; sản xuất cát nghiền thay thế cát khai thác tự nhiên từ sông suối; ứng dụng công nghệ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, sức gió thay thế một phần năng lượng từ nhiệt điện hoặc thủy điện.

Bên cạnh đó, một vài địa phương đã dành nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thiết kế, thi công, tính toán tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, độ an toàn cho các công trình xây dựng (đặc biệt là nhà cao tầng và công trình ngầm); nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và trang trí nội thất (Hà Nội, TP.HCM).

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, trong năm 2020, Bộ KH-CN đề nghị các Sở KH-CN tại địa phương có nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới quản lý, tổ chức, hoạt động KH-CN; phát triển tiềm lực KH-CN; thúc đẩy đổi mới nâng cao trình độ công nghệ và phát triển dịch vụ KH-CN…

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, phát triển sản phẩm chủ lực