Trong dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, ngành du lịch thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến các điểm du lịch, vui chơi giải trí, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.
Các địa phương đang lần lượt thông báo kết quả đón khách du lịch trong những ngày nghỉ lễ dài vừa qua.
Trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30.4 và 1.5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30.4 và 1.5 dù thời tiết có lúc không thuận lợi, nhưng lượng du khách đến với Thanh Hóa vẫn rất đông. Cụ thể, du khách đến Thanh Hóa đạt khoảng 1.195.000 lượt khách, tăng 33,1% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022 (trong đó khách lưu trú đạt khoảng 690.000 lượt khách). Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.865 tỉ đồng, tăng 48,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ 2022.
Trong đó, một số khu, điểm du lịch của tỉnh có lượng du khách về nghỉ rất đông là TP.Sầm Sơn đón khoảng 850.000 lượt khách; thị xã Nghi Sơn: 78.200 lượt khách; Hải Tiến: 77.000 lượt khách; TP.Thanh Hóa 39.800 lượt khách; Suối cá Cẩm Lương 18.300 lượt khách; Thành nhà Hồ 11.200 lượt khách; Lam Kinh: 8.600 lượt khách; Pù Luông 6.500 lượt khách; Bến En 3.000 lượt khách; Bản Mạ 3.200 lượt khách...
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, chỉ tính riêng trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30.4 - 1.5, lượng khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 320.000 lượt, tăng 71,1% so với cùng kỳ. Khách quốc tế khoảng 48.000 lượt, tăng 263,6%.
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn đón khoảng 180.000 lượt khách, tăng 89,5% so với cùng kì 2022. Công suất phòng ước đạt xấp xỉ 70-75%, tăng 7,1%. Lượng khách du lịch tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30.4 - 1.5, kéo theo doanh thu tăng 94,4% so với năm 2022, ước tính đạt 3.130 tỉ đồng.
Trong các ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5, các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang đã đón khoảng 100.000 lượt khách tham quan. Trong đó, các điểm, khu du lịch, khu di tích văn hóa - lịch sử thu hút được nhiều lượt khách nhất như: Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên); Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp, Khu Thể thao – Du lịch Tà Pạ - Soài Chek (huyện Tri Tôn); Khu du lịch văn hóa tâm linh Núi Sam (TP. Châu Đốc); Khu du lịch Vườn sinh thái Phan Nam (TP. Long Xuyên)...
Còn theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, chỉ trong 3 ngày qua (29.4-1.5), các khu, điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp đón hơn 50.000 lượt du khách, trong đó có khoảng 4.400 khách quốc tế. Công suất phòng bình quân ở các cơ sở lưu trú du lịch đạt từ 50-90%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 3 ngày qua của tỉnh Bến Tre đạt khoảng 58 tỉ đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cũng vừa thông báo, trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, toàn tỉnh ước đón khoảng hơn 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú tăng gấp đôi so với năm 2022. Tổng hợp thông tin từ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, từ ngày 29.4 đến ngày 2.5, công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỉ đồng. Đa số là khách du lịch nội địa đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, các tỉnh Nam bộ, Hà Nội...
Chiều ngày 2.5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết trong dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã thu hút 155.300 lượt khách tham quan và lưu trú, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 110.500 lượt, khách nội địa đạt 44.800 lượt. Dịp này, công suất sử dụng phòng lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 85 - 95%, trong đó, nhóm khách sạn từ 3 - 5 sao đạt từ 95 - 100%.
Liên quan việc bán vé vào phố cổ Hội An, cơ quan chức năng thành phố Hội An ghi nhận hơn 17.000 vé được bán ra trong 3 ngày 29.4, 30.4 và 1.5, phần lớn là vé của du khách quốc tế.