Trong bối cảnh Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đặt việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn lên hàng đầu, thì 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ có thể xem như biểu tượng cho việc sử dụng vốn ngân sách lãng phí và kém hiệu quả. Đó là những nút thắt phải tháo gỡ bằng mọi giá nếu như muốn tái cơ cấu nền kinh tế.

Các dự án ngàn tỉ thua lỗ: Nút thắt buộc phải tháo gỡ nếu muốn tái cơ cấu kinh tế

Nhàn Đàm | 12/11/2016, 12:02

Trong bối cảnh Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đặt việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn lên hàng đầu, thì 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ có thể xem như biểu tượng cho việc sử dụng vốn ngân sách lãng phí và kém hiệu quả. Đó là những nút thắt phải tháo gỡ bằng mọi giá nếu như muốn tái cơ cấu nền kinh tế.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của nội dung nghị trình Quốc hội từ ngày 15.11 tới đây trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đó là vấn đề đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả, cũng như các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí cũng như trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan (theo CafeF).

Trong đó, điển hình là 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nổi tiếng của Bộ Công Thương đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đặt việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách lên hàng đầu, thì 5 dự án thua lỗ ngàn tỉ kể trên có thể xem như biểu tượng cho việc sử dụng vốn ngân sách lãng phí và kém hiệu quả. Đó là những nút thắt phải tháo gỡ bằng mọi giá nếu như muốn tái cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể, 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ nổi tiếng kể trên bao gồm: dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay đã đội lên mức 8.104 tỉ đồng, hiện tại do việc thực hiện thi công các hạng mục còn dang dở nên dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Dự án thứ hai là xơ sợi Đình Vũ, có tổng mức đầu tư là 325 triệu USD, nhà máy đã đi vào hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn, mức lỗ của dự án trong năm 2014 là 1.085 tỉ đồng, năm 2015 là 1.308 tỉ đồng, chưa kể nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng. Dự án thứ ba là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 1.493 tỉ đồng và đội vốn lên mức 1.887 tỉ đồng; dự án đã đi vào hoạt động chỉ trong 2 đợt (36 ngày) với mức lỗ tổng cộng 408,9 tỉ đồng và hiện không còn vốn lưu động để hoạt động.

Hai dự án còn lại là nhà máy đạm Ninh Bình (tổng mức đầu tư ban đầu là 397,7 triệu USD sau đội vốn lên mức 667 triệu USD, tính đến tháng 6.2016 đã lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng và hiện đã ngừng hoạt động), và nhà máy bột giấy Phương Nam (tổng mức đầu tư 1.487 tỉ đồng sau đó đội vốn lên mức 2.286 tỉ đồng và 3.409 tỉ đồng, dự án hiện đã ngừng hoạt động) (theo The Saigon Times). Cả 5 dự án kể trên đều là của Bộ Công Thương quản lý.

Dù trong buổi giải trình trước Quốc hội vào ngày 3.11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo giải trình về 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ kể trên, trong đó nhấn mạnh: “Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại DNNN”. Tuy nhiên, bản báo cáo đó vẫn mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê ra những nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ tại 5 dự án đắt đỏ kể trên, mà vẫn chưa đề cập đến phương án xử lý. Và theo dự kiến phải đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ ngày 15.11 tới đây thì vấn đề phương án xử lý các dự án kể trên mới được đề cập đến.

Hiện tại, có 2 phương án chính trong việc giải quyết các dự án thua lỗ này, đó là hoặc tiếp tục rót vốn đầu tư nếu kết quả thanh tra cho thấy vẫn còn có khả năng sinh lời, hoặc ngưng cấp vốn và cho phá sản hoặc bán lại các dự án nói trên. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quan điểm từ phía Chính phủ cũng như nội dung các Nghị quyết về kinh tế - tài chính vừa được Quốc hội thông qua, thì việc tiếp tục rót vốn để cứu các dự án kể trên là khá mong manh. Lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định rằng với các dự án thua lỗ kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào cứu mà sẽ bán hoặc cho phá sản.

Trong khi đó, Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 9.11 vừa qua thì khẳng định, không được sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại các dự án và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Còn Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 thì yêu cầu xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, chính thức cho phép phá sản DNNN.

Một trong những lý do chính khiến cả 5 dự án ngàn tỉ thua lỗ kể trên trở thành vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội lần này, là do các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đang được Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó trọng tâm là việc nâng cao hiệu quả việc sử dụng và phân bổ nguồn lực tài chính vốn hữu hạn. Trong bối cảnh đó, 5 dự án nói trên có thể xem như biểu tượng của tình trạng phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách bất hợp lý và kém hiệu quả vốn đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Nếu không có phương án giải quyết dứt điểm 5 dự án kể trên cũng như đề ra các biện pháp tránh để những sự việc tiêu cực trên lặp lại, thì những nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua sẽ trở thành vô nghĩa, nguồn vốn sẽ tiếp tục bị thất thoát và lãng phí một cách tràn lan. Nói cách khác, 5 dự án kể trên đang đóng vai trò là những nút thắt, mà Việt Nam bắt buộc phải tháo gỡ nếu muốn tái cơ cấu nền kinh tế.

Việc đề ra những phương án xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân tại 5 dự án nói trên cũng đang là một nút thắt khác. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì trách nhiệm phê duyệt các dự án không hiệu quả đã được quy định trong pháp luật. Theo đó, quy định tất cả các quyết định đều phải đưa lên trình duyệt tại cấp trên, ai là người phê duyệt thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người trực tiếp triển khai thì ít được đề cập, do không thể hình sự hóa các vấn đề dân sự, và cần phải tách bạch đâu là trách nhiệm cá nhân trong quản trị doanh nghiệp và đâu là rủi ro do thị trường (theo CafeF).

Hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định để triển khai luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện tách bạch vấn đề đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ đến khi đó thì việc quản lý cũng như truy trách nhiệm mới có thể được triển khai hiệu quả hơn.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các dự án ngàn tỉ thua lỗ: Nút thắt buộc phải tháo gỡ nếu muốn tái cơ cấu kinh tế