Các vi khuẩn sống trong ruột non của bạn có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm SARS-CoV-2, theo những phát hiện mới.

Các lợi khuẩn trong đường ruột có thể giảm nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài

Sơn Vân | 27/01/2022, 11:30

Các vi khuẩn sống trong ruột non của bạn có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm SARS-CoV-2, theo những phát hiện mới.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hệ vi sinh vật đường ruột ở 116 bệnh nhân COVID-19 ở Hồng Kông vào năm 2020, khi các quy định bắt buộc mọi F0 phải nhập viện. Hơn 80% bị COVID-19 nhẹ hoặc trung bình, nhưng hơn 75% có ít nhất một triệu chứng dai dẳng.

Sau 6 tháng, các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (31%), trí nhớ kém (28%), rụng tóc (22%), lo lắng (21%) và rối loạn giấc ngủ (21%). Phân tích mẫu phân thu được khi nhập viện và trong những tháng tiếp theo cho thấy những người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài "có hệ vi sinh vật kém đa dạng và ít phong phú hơn ở đường ruột", Siew C. Ng của Đại học Trung văn Hương Cảng cho biết.

Những người không bị COVID-19 kéo dài có hệ vi sinh vật đường ruột tương tự như những người không nhiễm SARS-CoV-2”, Siew C. Ng nói.

Thiếu các loài vi khuẩn Bifidobacteria (lợi khuẩn) tăng cường miễn dịch có liên quan chặt chẽ đến các triệu chứng hô hấp dai dẳng, Siew C. Ng lưu ý.

Bifidobacteria có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh. Lợi khuẩn này có trong đường ruột của trẻ sơ sinh với tác dụng giúp tiêu hóa các loại đường lành mạnh có trong sữa mẹ.

cac-loi-khuan-trong-duong-ruot-co-the-giam-nguy-co-mac-trieu-chung-covid-19-keo-dai.jpg
Thiếu các lợi khuẩn Bifidobacteria tăng cường miễn dịch có liên quan chặt chẽ đến các triệu chứng hô hấp dai dẳng khi mắc COVID-19 - Ảnh: Intenet

Dù nghiên cứu không thể chứng minh chắc chắn rằng các vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh ngăn ngừa triệu chứng COVID-19 kéo dài, những phát hiện này cho thấy "duy trì một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và cân bằng thông qua chế độ ăn uống, tránh dùng kháng sinh, tập thể dục và bổ sung các lợi khuẩn cạn kiệt gồm cả Bifidobacteria có thể hữu ích”.

Lợi khuẩn có trong thực phẩm lên men như sữa chua men sống, đậu nành lên men, kim chi, dưa muối, hay sữa mẹ… Lợi khuẩn sẽ phát triển tốt khi có nguồn thức ăn là các chất xơ hòa tan (prebiotics). Ăn nhiều rau quả còn có thể ngăn ngừa sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh.

Xét nghiệm PCR mới có thể xác định được biến thể

Các nhà nghiên cứu cho biết một loại xét nghiệm PCR mới có thể nhanh chóng cho biết biến thể nào gây nhiễm trùng, giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Hầu hết xét nghiệm PCR hiện tại có thể tìm thấy sự hiện diện của vi rút SARS-CoV-2 ở người nhưng không thể xác định các biến thể cụ thể. Xét nghiệm mới sử dụng các đầu dò đặc biệt (các phân tử được đánh dấu huỳnh quang) phát sáng các màu khác nhau khi tự gắn vào DNA hoặc RNA trong vi rút. Khi mẫu từ bệnh nhân COVID-19 được làm nóng, các đầu dò rơi khỏi mục tiêu DNA hoặc RNA trong vi rút và màu sắc biến mất. Các đầu dò rơi ra ở các nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào trình tự DNA hoặc RNA mà chúng liên kết với nhau.

Tiến sĩ David Alland của Trường Y Rutgers New Jersey (Mỹ) giải thích: “Vì mỗi biến thể có một số trình tự độc nhất, các đầu dò có thể được xác định dựa trên mô hình thay đổi màu sắc ở mỗi nhiệt độ. Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu lâm sàng cho thấy xét nghiệm này có độ nhạy 100% và đặc hiệu 100% để xác định các biến thể đáng lo ngại gồm cả Delta và Omicron. Chúng tôi đang đề nghị Sở Y tế New Jersey phê duyệt xét nghiệm của chúng tôi để các phòng thí nghiệm ở bang này có thể sử dụng nó”.

Một phòng thí nghiệm phân tử điển hình trong bệnh viện có thể thực hiện xét nghiệm này, nhóm của David Alland đã báo cáo trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Vắc xin mRNA an toàn với quá trình thụ tinh trong ống nghiệm

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA không ảnh hưởng đến kết quả sinh sản ở quá trình thụ tinh trong  ống nghiệm (IVF).

Họ so sánh tỷ lệ thụ tinh, mang thai và sẩy thai sớm ở người thụ tinh ống nghiệm đã tiêm hai liều vắc xin COVID-19 từ Pfizer-BioNTech hoặc Moderna với người chưa được tiêm phòng.

222 người đã tiêm vắc xin mRNA và 983 người chưa được tiêm phòng COVID-19 được kích thích buồng trứng (điều trị y tế để kích thích trứng phát triển) có tỷ lệ trứng được lấy lại, thụ tinh và phôi có số lượng nhiễm sắc thể bình thường tương đương nhau.

214 người đã tiêm vắc xin mRNA và 733 người chưa được tiêm phòng COVID-19 trải qua quá trình phôi đông lạnh và rã đông (trứng của họ được lấy từ buồng trứng và thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm, tạo ra các phôi rồi đông lạnh, sau đó rã đông và chuyển vào tử cung) có tỷ lệ mang thai và sẩy thai sớm tương tự nhau, theo báo cáo trên Tạp chí Sản khoa & Phụ khoa.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Phát hiện của chúng tôi góp phần vào việc ngày càng có nhiều bằng chứng liên quan đến sự an toàn của việc tiêm vắc xin COVID-19 ở những phụ nữ đang cố gắng thụ thai”.

Nguy cơ viêm cơ tim nhẹ khi tiêm vắc xin mRNA

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) phát hiện ra nguy cơ bệnh viêm cơ tim nhẹ sau khi tiêm vắc xin mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Các nhà nghiên cứu cho biết có 1.626 trường hợp được ghi nhận trong Hệ thống báo cáo sự kiện có hại của vắc xin từ tháng 12.2020 đến tháng 8.2021, "vượt quá tỷ lệ dự kiến".

Nhìn chung, 73% các trường hợp được báo cáo là ở những người dưới 30 tuổi và 82% là nam giới. Tỷ lệ cao nhất được tìm thấy ở nam giới vị thành niên và thanh niên.

Với 1 triệu liều vắc xin Pfizer, có khoảng 71 trường hợp viêm cơ tim ở nam giới từ 12 đến 15 tuổi và 106 trường hợp ở nam 16 hoặc 17 tuổi.

Ở nam thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, tỷ lệ viêm cơ tim trên 1 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna lần lượt là khoảng 52 và 56

Khoảng 96% bệnh nhân viêm cơ tim trong số đó phải nhập viện. Trong 87%, các triệu chứng đã biến mất vào thời điểm họ được xuất viện. Thuốc chống viêm không steroid là phương pháp điều trị phổ biến nhất.

Nguy cơ này cần được xem xét trong bối cảnh lợi ích đáng kể của việc tiêm vắc xin trong việc ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2 và các biến chứng nghiêm trọng tiềm ẩn. Lợi ích của việc tiêm vắc xin COVID-19 tiếp tục vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào”, người phát ngôn của các tác giả cho biết, lưu ý rằng mắc COVID-19 gây ra nguy cơ viêm cơ tim cao gấp 16 lần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các lợi khuẩn trong đường ruột có thể giảm nguy cơ mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài