Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo cập nhật khó khăn, đặc biệt là trong kinh doanh, của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hàng không, dầu khí thiệt hại nặng
Cụ thể theo báo cáo thì Vietnam Airlines bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kết hoạch, ước lỗ 19.651 tỉ đồng.
Hiện Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3.2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng doanh thu quý 1 ước đạt 88.3000 tỉ đồng, giảm 13.194 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỉ đồng, giảm 4.580 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019.
Nếu giá dầu thô giảm xuống từ 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu năm 2020 của PVN sẽ giảm tương ứng từ 9.200 tỉ đồng đến 55.100 tỉ đồng, khiến tổng doanh thu toàn tập đoàn ước giảm 23.000 - 141.000 tỉ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổng doanh thu quý 1/2020 ước đạt 4.064 tỉ đồng, giảm 832 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỉ đồng, giảm 586 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
ACV đã dự kiến 2 kịch bản. Một là thị trường quốc tế từ tháng 5.2020 phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc; đường bay châu Âu, Hàn Quốc tạm dừng đến hết tháng 7.2020; các đường bay khác dự kiến từ tháng 8.2020 sẽ phục hồi dần nhưng chậm.
Kịch bản 2 là từ cuối tháng 3.2020 đến tháng 5.2020 sản lượng trong nước tiếp tục giảm mạnh từ 60-70% và bắt đầu phục hồi từ tháng 6.2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng lịch học điều chỉnh nên khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không kỳ vọng.
Đối với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), việc hạn chế đi lại của người trong mùa dịch khiến lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ từ đầu năm 2020 giảm mạnh.
Trong quý 1/2020, doanh thu của VEC giảm 15 tỉ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến quý 4/2020, doanh thu cả năm của VEC ước đạt 3.698 tỉ đồng, giảm 522,7 tỉ đồng so với kế hoạch năm; ước lỗ 140 tỉ đồng.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cũng bị ảnh hưởng nặng. Do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay, các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.
Trong quý 1/2020, doanh thu vận tải hành khách của VNR dự kiến đạt 527,8 tỉ đồng, giảm 65 tỉ đồng so với cùng kỳ nâm trước; ước lỗ 100 tỉ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ - VNR có doanh thu giảm từ 700 - 100 tỉ đồng so với kế hoạch năm, lỗ từ 694 - 935 tỉ đồng tùy theo thời điểm kết thúc dịch.
Petrolimex ước lỗ hơn 1,1 nghìn tỉ năm nay
Với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hoạt động vận tải biển bị ngừng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây là thị trường châu Âu, Mỹ.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, các hoạt động vận tải, kho bãi cũng giảm sản lượng tới 40% so với cùng kỳ. Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tài. Hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là chi phí lưu kho tăng cao.
Doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm 2020 của Vinalines ước đạt 2.218 tỉ đồng, giảm 626 tỉ đồng; doanh thu công ty mẹ ước đạt 281 tỉ đồng, giảm 87 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nếu dịch kéo dài đến quý 4/2020, doanh thu công ty mẹ ước đạt 1.269 tỉ đồng, giảm 279 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2020; ước lỗ 76 tỉ đồng.
Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỉ đồng; ước lỗ 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch năm. Số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỉ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo dài tới quý 4/2020.
Theo Petrolimex, nguyên nhân của tình trạng này là do giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn trong quý 1/2020, dẫn đến giá vốn tồn kho của tập đoàn tăng mạnh.
Đối với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), quý 1/2020 có doanh thu ước đạt 2.500 tỉ đồng, giảm 1.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận trước thuế ước tính 270 tỉ đồng, giảm 44 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019.
COVID-19 đã tác động toàn diện tới các ngành hàng của tập đoàn khiến tổng hợp doanh thu cả năm dự kiến giảm 2.200 tỉ đồng, lợi nhuận giảm 1.800 tỉ đồng so với kế hoạch.
Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) quý 1/2020, công ty mẹ ước lỗ 15 tỉ đồng, hợp nhất tổng công ty ước lỗ 25 tỉ đồng. Hiện sản phẩm tiêu thụ rất chậm, giá bán thấp hơn giá thành, giá xuất khẩu xuống đáy 1.115 USD/tấn - mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Tại thị trường trong nước, giá bán nội địa luôn cao hơn giá bán xuất khẩu làm tăng giá thành đầu vào. Nếu tình hình này kéo dài, năm 2020, Vinacafe sẽ khó hoàn thành kế hoạch được giao, sản xuất kinh doanh có nguy cơ thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.
Đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), quý 1/2020, tổng doanh thu ước đạt 9.757 tỉ đồng, giảm 649 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; ước lỗ 187 tỉ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của tập đoàn là 27.697 tỉ đồng, giảm khoảng 10.000 tỉ đồng, ước lỗ 4.379 tỉ đồng, nộp ngân sách dự kiến giảm 600 tỉ đồng so với kế hoạch năm. Nếu dịch kéo dài, tập đoàn đối diện với nguy cơ dừng sản xuất do không có nguyên vật liệu.
Đối với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), quý 1/2020, tổng doanh thu ước đạt 4.728 tỉ đồng, giảm 692 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 247 tỉ đồng, giảm 71 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu Vinataba sẽ giảm 5.996 tỉ đồng, lợi nhuận giảm 496 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2020, nộp ngân sách dự kiến giảm 1.926 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2020.
Theo Vinataba, thị trường nội địa suy giảm mạnh do các lễ hội bị dừng; thị trường quốc tế cũng khó khăn do hạn chế giao thương tại biên giới Việt - Trung; nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc rất khan hiếm.
Đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), doanh thu quý 1/2020 giảm 143 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận giảm 114 tỉ đồng.
Sản lượng và giá xuất nhập khẩu một số sản phẩm từ nguyên liệu gỗ và nguyên liệu đầu vào của Vinafor có dấu hiệu suy giảm. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc bị tạm dừng. Một số đơn hàng nhập khẩu thông qua đối tác vận chuyển của Trung Quốc bị kéo dài và phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu của Vinafor và ảnh hưởng kế hoạch sản xuất năm 2020.
Các dự án điện bị ảnh hưởng
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện cho công nghiệp và cho kinh doanh dịch vụ giảm làm doanh thu bán điện giảm tương ứng. Vấn đề bảo đảm than cho sản xuất điện trong thời gian tới, nếu dịch bệnh kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo EVN, các dự án nguồn phát điện, dự án truyền tải và phân phối điện của tập đoàn này có liên quan đến chuyên gia và thiết bị của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Vì vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, các chuyên gia không thể sang Việt Nam, thiếu bị cung ứng chậm, tiến độ các dự án bị sẽ ảnh hưởng.
Đối với Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), thị trường tiêu thụ than hiện bị chững lại do Trung Quốc là thị trường lớn, giá than nhập khẩu có xu hướng tăng trong khi giá khoáng sản giảm khiến doanh thu về khoáng sản giảm 1.000 tỉ đồng.
TKV dự tính nếu dịch kéo dài, nguồn cung nguyên vật liệu cho các đơn vị sẽ nguy cấp do lượng dự trữ chỉ đến hết quý 1 hoặc đầu quý 2.
Cả năm 2020, VNPT dự kiến giảm 6.161 tỉ đồng doanh thu, 817 tỉ đồng loại nhuận; Mobifone dự kiến giảm 6.684 tỉ đồng doanh thu và 1.526 tỉ đồng lợi nhuận so với kế hoạch năm.
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) dự kiến doanh thu cả năm 2020 giảm từ 2.081 - 6.084 tỉ đồng; lợi nhuận giảm từ 91-110 tỉ đồng so với kế hoạch. Vinafood 2 tiếp tục khó khăn trong kinh doanh khi kết quả kinh doanh quý 1 là số lỗ 97 tỉ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), quý 1/2020, trong 145 doanh nghiệp thuộc danh mục quản lí của SCIC, có 81 doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, trong đó có 35 doanh nghiệp chịu tác động nặng nề.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là đơn vị chịu thiệt hại nặng nhất do số lao động lớn và không kí được các hợp đồng mới, ách tắc trong xuất khẩu các đơn hàng cũ.
Lam Thanh