Đó là một trong những nội dung thiết yếu quy định trong hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế trên địa bàn TP.HCM vừa được Sở Y tế TP ban hành. Các nội dung của quy chuẩn thiết yếu này dựa trên các quy định pháp luật do Bộ Y tế ban hành liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh nói chung và hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.
Ngày 9.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chính thức ban hành 11 nội dung quy định về chuẩn thiết yếu đối hoạt động khám, chữa bệnh ở trạm y tế. Theo đó, các trạm y tế này phải bảo đảm về nhân lực khám chữa bệnh; cơ sở vật chất và trang thiết bị; cung ứng thuốc và vật tư y tế; kiểm soát nhiễm khuẩn; thực hiện danh mục kỹ thuật; tuân thủ quy chế chuyên môn; an toàn tiêm chủng và an toàn người bệnh; hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và xã hội hoá công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn.
Trong đó, Sở Y tế TP quy định mỗi trạm y tế phải có 2 bác sĩ, trong đó ít nhất 1 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình đảm trách công tác khám bệnh, chữa bệnh hàng ngày tại trạm y tế.
Tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại trạm y tế phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi chuyên môn phù hợp và thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề với Sở Y tế.
Các trạm y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường của trạm y tế, bao gồm: nước sạch, nhà vệ sinh;phòng cháy chữa cháy; an toàn sinh học đối với phòng xét nghiệm (nếu có phòng xét nghiệm); an toàn bức xạ đối với phòng X-quang (nếu có phòng X-quang); xử lý nước thải y tế, thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế theo quy định.
Đặc biệt, các trạm y tế phải tổ chức theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân địa phương thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân, ưu tiên triển khai quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân (hồ sơ giấy) cho người dân đến chăm sóc sức khỏe hoặc khám, chữa bệnh tại trạm y tế theo mẫu hồ sơ thống nhất. Tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm, điều trị ngoại trú và quản lý điều trị đối với các bệnh không lây mạn tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên triển khai quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Đồng thời triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử của từng người dân trên địa bàn đảm bảo đúng lộ trình theo kế hoạch của UBND TP phố, đúng yêu cầu đối với hồ sơ sức khoẻ điện tử theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các trạm y tế khám, chữa bệnh phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tương thích với các hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu và các chương trình chăm sóc sức khoẻ tại trạm y tế theo quy định; nhân viên sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng tại trạm.
Triển khai hiệu quả các phần mềm để quản lý hồ sơ bệnh án, kê đơn, cung ứng thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế tại trạm y tế; quản lý người mắc các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường…), quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử. Tích hợp các phần mềm ứng dụng riêng lẻ vào một phần mềm quản lý chung của trạm y tế.
Triển khai hiệu quả hệ thống kết nối từ xa để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời về chuyên môn kỹ thuật của các bác sĩ chuyên khoa thuộc bệnh viện tuyến cuối của thành phố theo sự phân công của Sở Y tế.
Sở Y tế TP đề nghị tất cả Trung tâm Y tế quận, huyện nghiên cứu, phổ biến và triển khai thực hiện theo “Chuẩn thiết yếu đối với hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu của các trạm y tế trên địa bàn thành phố” nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu, góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân đến với trạm y tế.
Hồ Quang