Trong mùa tuyển sinh 2023, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chọn phương án tuyển sinh phù hợp. Nhiều trường đã mở thêm các ngành học mới để thu hút thí sinh.

Các trường đua nhau mở ngành học mới, học sinh cần cân nhắc lựa chọn

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 11/02/2023, 23:05

Trong mùa tuyển sinh 2023, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chọn phương án tuyển sinh phù hợp. Nhiều trường đã mở thêm các ngành học mới để thu hút thí sinh.

Các trường đua nhau mở ngành học mới

Năm nay nhiều trường ĐH mở thêm các ngành học mới nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Các chuyên gia giáo dục cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với thí sinh khi lựa chọn các ngành học mới.

Năm 2023, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin tuyển sinh 63 chương trình đào tạo tăng 3 chương trình: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu Polymer và Composit, Kỹ thuật sinh học. Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu tuyển sinh ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo ở mùa tuyển sinh 2023.

le-quy-don-3.jpg
Nhiều trường ồ ạt mở mã ngành mới nhằm thu hút thí sinh

Cũng không thua kém các trường khác, tại trường ĐH Thủy lợi, năm 2023 dự kiến tuyển sinh 39 ngành/nhóm ngành đào tạo bằng tiếng Việt và 1 chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh. Ngay cả trường ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã đồng ý mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên, như thí điểm mở ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm, Thú y (Trường ĐH An Giang); Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng (Khoa Y).

Việc liên tục các trường mở thêm nhiều mã ngành để thu hút các thí sinh, tăng lượng sinh viên vào trường học cũng kéo theo nhiều lo lắng. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH, Cao đẳng trên cả nước đã cho nhiều sinh viên dừng học vì không hoàn thành các tín chỉ đăng ký. Thậm chí có nhiều sinh viên khi bắt đầu vào ngành học mình đăng ký sau khi đỗ ĐH thì mới phát hiện bản thân chọn nhầm ngành, nhầm trường. Sự vội vã cũng như các trường liên tục mở mã ngành mới khiến học sinh dễ bị loạn trong việc lựa chọn mục tiêu - ngành học của mình.

le-quy-don-5.jpg
Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường ĐH mở thêm ngành mới, điều này giúp học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn

Có phải cung không đủ cầu?

Khi được hỏi về những mã ngành mới mở ở trường mình, đa số các trường đều đưa ra lý do chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của xã hội, người tuyển dụng và người học, nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên thực tế như thế nào thì chưa ai có thể chứng minh được. Thậm chí ngay cả Bộ GD-ĐT cũng khó quản lý hết được chất lượng các chương trình đào tạo mới mở và các trường tăng chỉ tiêu đều như vắt chanh mỗi năm. 

Đưa ra quan điểm của mình, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhận định, việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

“Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động,... Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực” - ông Khuyến cho hay.

le-quy-don-6.jpg
Nhiều ngành học được mở nhưng cũng cần sự lựa chọn đúng đắn của thí sinh

Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, việc mở ra ngành mới là tất yếu khi các trường được tự chủ. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.

“Những ngành nghề mới được mở ra từ các trường đại học đều xuất phát từ quá trình nghiên cứu của từng trường với mong muốn nghề nghiệp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số, đặc biệt là các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật và thương mại điện tử”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc bảo đảm được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào, bởi có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật khiến sinh viên ra trường không có việc làm. Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế khiến không ít người lo lắng.

Theo GS-TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, không nên mở ngành đào tạo nếu chất lượng đào tạo không bảo đảm bởi có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề. “Nếu như mở ra các mã ngành khác chuyên môn truyền thống của mình thì chắc chắn là không thể có sự đầu tư như mong muốn được, cũng không thể mời được các chuyên gia giỏi nhất của ngành muốn đào tạo. Tôi cho rằng, nếu muốn đào tạo thêm về ngành nào thì nên giao cho chính ngành đó làm chứ không phải tự đề xuất ra để làm”, GS-TS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.

Một lo lắng khác là việc mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp. Có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh và lúc đó cần sự tỉnh táo cũng như nhận định đúng, lựa chọn đúng khoa, đúng trường của các thí sinh dựa trên năng lực phát triển của nhà trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trực tiếp: Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
27 phút trước Sự kiện
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ diễn ra vào 7 giờ 45 sáng 7.5 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường đua nhau mở ngành học mới, học sinh cần cân nhắc lựa chọn