Trong bộ phim chiếu năm 2002 của đạo diễn Phần Lan Aki Kaurismäki mang tên “Mies Vailla Menneisyyttä” (tạm dịch “Người không có quá khứ”), nhân vật chính bị tấn công bạo lực đến bất tỉnh. Khi tỉnh lại, ông ta mất trí nhớ, không còn biết tên mình hay bất cứ điều gì trước đây. Ông phải tạo ra một nhân thân mới và bắt đầu lại mọi thứ. Đây cũng là điều đã xảy ra với nước Đức sau năm 1945.
Cách của người Đức kỳ 1: Angela Merkel - Một cá tính Đức
Cách của người Đức kỳ 2: Bí mật động cơ đốt trong của nền kinh tế Đức
Cả Cộng hòa Liên bang ở phía Tây lẫn Cộng hòa Dân chủ ở phía Đông đều không tự gắn kết mình với nước Đức trước đó (dù luật pháp quốc tế công nhận Cộng hòa Liên bang Đức là một nhà nước kế thừa), và cũng không bên nào chịu tiếp nối với quá khứ. Mối quan tâm của họ tập trung vào việc tái thiết và hồi sinh. Cho tới nay, mỗi khi được phép nhìn lại, họ vẫn luôn mang theo cảm giác xấu hổ và tội lỗi.
Ngay ở trung tâm Berlin, giữa cổng Brandenburg và quảng trường Potsdamer có lời nhắc nhở rõ ràng nhất. Đó là đài tưởng niệm Holocaust khổng lồ, với những tấm bia đá sẫm màu trải rộng hơn 18.000 m2. Được lập ra vào năm 2005, tức 60 năm sau cái chết của Hitler, đài tưởng niệm này đã đón 3,5 triệu người đến thăm ngay trong năm đầu tiên mở cửa.
Trong quá khứ, đảng Quốc xã không nhận được nhiều ủng hộ tại Berlin và Hitler cũng không thích sống ở đây. Nhưng không lâu sau khi Berlin trở thành thủ đô của Đức một lần nữa vào năm 1991, một cuộc thi đã được tổ chức để chọn ra cách tốt nhất nhằm tưởng niệm sự kiện Holocaust tại thành phố này. Dù đất nước thống nhất vui đến thế nào thì niềm hạnh phúc đó phải song hành với sự nhắc nhở hữu hình về tội lỗi đã qua của Đức.
Thực ra không phải lúc nào cũng như vậy. Trong hai thập kỷ ngay sau năm 1945, người Đức ít chú ý đến quá khứ kề cận họ. Nhiều quan chức từng phục vụ chế độ Quốc xã, bao gồm quan tòa, viên chức, giáo viên – tiếp tục ở lại làm việc; dù hầu hết tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất đã bị truy tố, song cả lực lượng Đồng minh đang chiếm đóng lẫn bản thân người Đức không mấy quan tâm đến những nhân vật không quan trọng.
Thủ tướng thứ hai của Đức thời hậu chiến, ông Kurt Georg Kiesinger, từng là thành viên của đảng Quốc xã. Rất dễ để có được giấy chứng nhận bỏ đảng Quốc xã, hay còn được gọi là Persilscheine (giấy Persil [1] – được đặt theo tên của một loại chất tẩy). Khi đó, người ta chú trọng đến việc sống tiếp và triển vọng tương lai hơn là gặm nhấm cảm giác tội lỗi của quá khứ.
Thay đổi diễn ra vào thập niên 1960. Thế hệ trẻ bắt đầu thắc mắc, bao gồm câu hỏi về sự dính líu của chính cha mẹ mình tới những gì xảy ra từ năm 1933 đến 1945. Một phần lý do khiến không khí cách mạng sục sôi ở Đức hồi năm 1968 và những năm sau đó là bởi nó ẩn chứa khía cạnh cá nhân.
Đó không chỉ là cuộc nổi dậy đối đầu nhà nước hay hệ thống xã hội mà còn là sự phản kháng trước gia đình riêng của các sinh viên cũng như chống lại nền văn hóa im lặng – bị người biểu tình xem là che giấu sự thật về mức độ tham gia hoặc ít ra là nhắm mắt làm ngơ của người dân Đức bình thường đối với những tội ác quá mức của Hitler. Kết quả là một sự cởi mở đầy phấn chấn về những năm tháng Quốc xã trên phim ảnh, truyền hình, sách, báo chí và bàn luận công khai. Mới đầu, những người muốn quên đi cảm thấy không dễ chịu. Nhưng nhờ vậy mà cả nước Đức cảm thấy thoải mái hơn.
Cách ứng xử với quá khứ là một trong nhiều đặc trưng đáng ngưỡng mộ của nền dân chủ Đức hiện đại. Nó trái ngược với sự miễn cưỡng mà các nước khác như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha... đối diện với lịch sử của riêng mình trong thế kỷ 20.
Dần chấp nhận quá khứ - thể hiện qua việc từ Vergangenheitsbewältigung (tạm dịch: vượt qua quá khứ) đi vào ngôn ngữ Đức, có tác động rộng hơn đến chính sách công ở Đức. Nó dẫn tới sự loại bỏ không chỉ thời kỳ Quốc xã mà còn cả toàn bộ lịch sử Đức trước đây. Những gì xảy ra trước năm 1945 không đại diện cho bất cứ giá trị chung nào và cũng không được tôn trọng. Không sự kiện chính trị, kinh tế hay xã hội nào, chứ chưa nói đến quân sự – được tưởng niệm, không thành tựu nào được ca ngợi, không cá nhân nào được vinh danh. Như nhân vật trong bộ phim của Kaurismäki, cả nước Đức đơn giản là tiếp tục đi tới.
Dĩ nhiên, có nhiều khía cạnh của Đức trước năm 1933 không đáng để ngưỡng mộ. Vào thời kỳ Đế chế Kaiserreich (1871 - 1918), tình trạng bài Do Thái lan tràn (dù ở Pháp cũng tương tự) và chính quyền mang tính độc tài (dù chưa bằng Nga hay Tây Ban Nha). Nhưng ở đế chế đó cũng tồn tại một hệ thống pháp luật tinh vi, mạng lưới an sinh xã hội đầu tiên trên thế giới, đảng dân chủ xã hội đầu tiên ở châu Âu, phát minh động cơ ô tô và nhiều sáng tạo công nghiệp, kỹ thuật. Nếu nhìn lại xưa hơn, tại sao vai trò của Blücher trong trận Waterloo lại không được tôn vinh nhiều như Wellington[2]? Và tại sao Frederick Đại đế lại không được kính trọng như Napoleon?
Nhưng họ không được công nhận. Lịch sử vẫn được dạy trong trường học và các phát minh công nghệ vẫn lưu dấu trong bảo tàng. Tuy nhiên, trong quá trình trưởng thành, người Đức xa lạ với những điều này. Ở Đức, quá khứ là một đất nước khác, theo đúng nghĩa đen.
Theo Cách của người Đức
[1] Persil là một nhãn hàng về giặt tẩy của công ty Đức Henkel.
[2] Trong trận Waterloo, ông Blücher phối hợp với Công tước Wellington của Anh.