Cách suy nghĩ và làm việc có khoa học- Một bài học dành cho trẻ em Mỹ, nhưng có thể hữu ích với chính chúng ta.

Cách suy nghĩ và làm việc có khoa học

04/08/2016, 14:21

Cách suy nghĩ và làm việc có khoa học- Một bài học dành cho trẻ em Mỹ, nhưng có thể hữu ích với chính chúng ta.

Câu chuyện số 1: Một lần, tôi đến chơi nhà người bạn có con học cấp 1. Cậu bé, đến giờ học, vẫn chưa tìm ra chiếc bút chì yêu thích, liền mếu máo đến nói với mẹ. Mẹ cậu liền cằn nhằn về việc cậu thường xuyên làm mất đồ đạc và nói cho cậu biết đã tốn nhiều tiền vì tật đãng trí của cậu. Cậu bé lủi thủi quay lại bàn học, và buồn bã lấy một chiếc bút khác ra dùng.
Câu chuyện số 2: Tôi có một anh bạn người Việt Nam sống tại Mỹ. Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp khóa MBA tại một đại học danh tiếng, anh nộp hồ sơ xin việc tại một công ty lớn tại thung lũng Silicon. Tại buổi phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng đặt nhiều câu hỏi về chuyên môn, kinh nghiệm làm việc. Anh trả lời trôi chảy tất cả các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra; cho đến khi họ hỏi: “Anh giải quyết một vấn đề như thế nào”? Anh bị bất ngờ một lúc với câu hỏi tưởng đơn giản mà lại phức tạp và quan trọng này.
Bạn giải quyết một vấn đề như thế nào? Như thế nào là suy nghĩ và làm việc có khoa học, có logic? Khi đối mặt với một vấn đề cần giải quyết, bạn sẽ phải làm những gì? Chúng ta đã giải quyết vô cùng nhiều các vấn đề trong cuộc sống, từ các quyết định nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, do bản chất của con người luôn gắn liền với cảm xúc, có rất nhiều các quyết định bị đan xen với các yếu tố cảm xúc đến mức có thể làm lu mờ tính logic. Hoặc đơn giản hơn, có thể chúng ta đã có cách giải quyết các vấn đề một cách logic nhưng lại chưa đúc rút những cách đó thành một phương pháp, một “công thức” ngắn ngọn, dễ hiểu và có thể áp dụng cho các vấn đề trong tương lai. Trong việc dạy con, vì chúng ta luôn có rất nhiều cảm xúc với con của mình, việc suy nghĩ và hành động logic lại có vẻ càng khó hơn.
Hãy cùng đọc quyển sách mini rất thú vị của cô giáo người Mỹ Deanna Jump về cách làm việc khoa học. Với sự đồng ý của cô, GioiBox.com đã dịch và làm một clip ngắn để giới thiệu với độc giả, nhất là các phụ huynh và các em nhỏ về đề tài này. Bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và minh họa nhẹ nhàng, sinh động, cô giáo Deanna đã khéo léo dạy các bạn nhỏ cách suy nghĩ và làm việc có logic. Quyển sách đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và được sử dụng bời nhiều thầy cô giáo khác trong cộng đồng giáo viên tại Mỹ. Bạn sẽ áp dụng cách làm việc khoa học này vào những việc cụ thể nào?
Từ việc lớn như: suy nghĩ và hành động của chúng ta khi biết tin về ô nhiễm biển Việt Nam, đến việc nhỏ như: con em của bạn làm mất bút chì mà không tìm ra được; cách suy nghĩ và xử lý vấn đề; theo phương pháp khoa học, thực ra lại không hề khác nhau:
1. Đặt câu hỏi
2. Đưa ra giả thiết
3. Kiểm tra giả thiết
4. Ghi chép lại những quan sát
5. Đi đến kết luận
Một khi đã hiểu được cách suy nghĩ và làm việc có khoa học; chúng ta có thể nhìn nhận các vấn đề một cách rõ ràng và có cách giải quyết cụ thể, theo từng bước một. Bài học dành cho trẻ em này, dường như chính chúng ta cũng nên học hoặc học lại. Và khi đã có cách đón nhận và xử lý các vấn đề trong cuộc sống một cách logic, khoa học; các quyết định đều có vẻ đơn giản, dễ dàng hơn nhiều.
Quay trở lại ví dụ, con cháu của bạn làm mất một cái bút chì. Bạn sẽ dạy con thế nào? Bước 1. Đặt câu hỏi: Những câu hỏi nào chúng ta cần hỏi? Có thể là: Con đã tìm hết những chỗ cần tìm chưa? Con đã dùng bút chì lần cuối cùng ở đâu? Con có cho ai mượn không?… Bước 2: Đưa ra giả thiết: Ví dụ: Có thể con đã để quên tại nhà bạn A,… và cứ thế, từng bước một; chúng ta có thể cùng con mình tìm ra cách xử lý chuyện mất bút chì này.
Nếu mọi chuyện tốt đẹp, chúng ta có thể tìm lại được chiếc bút. Nếu không may, chiếc bút không thể tìm lại được, thì chính con và chúng ta đã cố gắng để tìm kiếm nó. Cuộc sống luôn đem đến cho chúng ta rất nhiều thử thách và thái độ, nỗ lực của bạn trong việc giải quyết các thử thách đó mới là vấn đề quan trọng. Đây là bài học mà các bạn nhỏ cần học để có thể tự lập trong việc giải quyết các vấn đề của mình. Tất nhiên, sau những nỗ lực đó, vấn đề cần thảo luận tiếp theo sẽ là: làm sao để lần sau con không làm mất đồ đạc nữa. Và như vậy, trong câu chuyện này, thay vì cằn nhằn, la mắng và để các cảm xúc này ảnh hưởng lên con và chính chúng ta; chúng ta có thể tìm cách giải quyết cũng như rút kinh nghiệm cho lần sau. Chúng ta đã biến vấn đề không hay và những cảm xúc tiêu cực (có thể đến) thành hành động tích cực; đồng thời, học hỏi từ kinh nghiệm này, để có một kế hoạch tốt đẹp hơn cho tương lai. Đó là một bài học quan trọng cho mỗi chúng ta.

Xem thêm các thông tin, bài viết, video thú vị tại:
www.gioibox.com
facebook.com/gioibox
youtube.com/GioiBox
GioiBox- Mạng sự kiện giáo dục, lớp học ngoại khóa & các sản phẩm, dịch vụ giáo dục Việt Nam!

G.P

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Các trường đại học cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo
18 phút trước Nhịp đập khoa học
Việc hình thành, quản lý, vận hành có hiệu quả các tổ chức đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách suy nghĩ và làm việc có khoa học