Bộ TT-TT vừa ban hành Thông tư 13/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, PV, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông, có hiệu lực từ ngày 10.10.
Theo Thông tư quy định, việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.
Các chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
Biên tập viên hạng I, PV hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00 - tương đương mức lương từ 9.238.000 đồng/tháng đến 11.920.000 đồng/tháng theo mức lương cơ sở hiện nay.
Biên tập viên hạng II, PV hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78 - tương đương mức lương từ 6.556.000 đồng/tháng đến 10.102.200 đồng/tháng.
Biên tập viên hạng III, PV hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 - tương đương mức lương từ 3.486.600 đồng/tháng đến 7.420.200 đồng/tháng.
Cũng theo Thông tư 13, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với PV, biên tập viên ở cả ba hạng (I, II, III) đều không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Thay vào đó, PV, biên tập viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.