Nước ta có 2 thành phố trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hay vẫn thường gọi với tên cũ là Sài Gòn.

Cái phanh hãm & độ vênh văn hóa

01/07/2016, 14:01

Nước ta có 2 thành phố trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hay vẫn thường gọi với tên cũ là Sài Gòn.

Hà Nội từ xa xưa đã được mệnh danh là “Kinh đô ngàn năm văn vật”, còn Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Theo cách gọi này, chứng tỏ Hà Nội và Sài Gòn có vị thế vừa đặc biệt quan trọng vừa đặc trưng với bản sắc của mình so với nhiều thành phố khác của cả nước và tất nhiên được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của khu vực mà của cả thế giới, nhất là trong thời kỳ hội nhập và tiến tới việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với thủ đô Hà Nội “kinh đô ngàn năm văn vật” đã từng tiến hành kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long cách đây không lâu với 35 công trình trọng điểm, trong đó có nhiều công trình quy mô như cầu, đường vốn đầu tư trị giá hàng nghìn tỉ đồng, sau đó là các công trình văn hóa, dân sinh như bảo tàng, trường học, nhà hát, thư viện, vườn hoa, các bộ sách đồ sộ tổng tập bách khoa thư về Hà Nội…

Sau đó, Hà Nội cũng đã phát triển không ngừng mọi mặt kể cả việc sáp nhập Hà Tây để mở rộng thủ đô. Khi đó, vị lãnh đạo cao nhất của Hà Nội trong buổi tổng lược những công trình hoành tráng biểu trưng cho một Hà Nội phát triển về kinh tế - xã hội đã nhấn mạnh trước báo chí rằng:

“Có những nhà văn hóa nhận xét văn hóa như một cái phanh hãm của cỗ xe kinh tế. Nếu chúng ta chỉ lo tăng tốc độ xe chạy mà không chăm lo cái phanh hãm thì xã hội sẽ phát triển trong tình trạng hết sức nguy hiểm”.

Ông cũng nói rằng: “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, lối sống, là trật tự kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại. Cần phải coi kỷ cương cũng là văn hóa.Tôn trọng pháp luật là thứ văn hóa mà người ta phải mất hàng trăm năm rèn giũa. Đó là thứ văn hóa tôn trọng mọi người để mọi người tôn trọng mình”.

Tất nhiên nhận xét này không phải của chỉ Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó mà còn của những nhà văn hóa và rất có thể của nhiều người ở nhiều lãnh vực khác nhau cùng một quan điểm với những nhà văn hóa đã nói như trên.

Và việc Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc lại nhận xét này như một dẫn chứng và biểu thị cùng một quan điểm với những nhà văn hóa trong lộ trình phát triển thủ đô Hà Nội mà cột mốc là đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước.

Người viết bài này rất đồng tình và tin chắc rằng dư luận không chỉ của Hà Nội mà trên cả nước cũng rất đồng tình. TP.Hồ Chí Minh chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội và cũng là thành phố rất trẻ, chỉ 300 năm so với 1.000 năm Thăng Long.

TP.Hồ Chí Minh cũng đã kỷ niệm 300 năm và cũng đã và đang có những công trình trọng điểm, trong đó có những công trình cầu, đường đã và đang xây dựng trị giá hàng nghìn tỉ đồng như đại lộ Đông Tây, cầu Thủ Thiêm, hầm chui Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, những tuyến đường cao tốc đã trở thành huyết mạch giải tỏa ách tắc giao thông, nối kết với những vùng kinh tế Đông - Tây mở rộng sự phát triển xã hội.

Những công trình hoành tráng này là niềm tự hào của nhân dân TP.Hồ Chí Minh và thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND trong quyết tâm xây dựng và phát triển TP.Hồ Chí Minh trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Nhân dân TP rất đồng tình và hoàn toàn đồng thuận với những dự án còn đang triển khai thực hiện và những thành quả đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nói như nhận xét của những nhà văn hóa và Bí thư Thành ủy Hà Nội viện dẫn lại ý này trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Hà Nội trong tương lai thì TP.Hồ Chí Minh cũng đang phát triển theo độ vênh giữa phát triển kinh tế và văn hóa.

Nhìn một cách bình tĩnh sau ánh hào quang của những công trình cầu, đường hoành tráng nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh thì phát triển văn hóa nói chung chưa được coi trọng.

TP.Hồ Chí Minh chưa có những công trình văn hóa lớn, mang bản sắc riêng của đất và người Bến Nghé, của đất cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ đã bước chân xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với phát triển Văn hóa và Văn học - Nghệ thuật nói chung chưa đồng bộ, có lãnh vực sự quan tâm này lại chưa đúng trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.

Tất nhiên, TP.Hồ Chí Minh khác Thủ đô Hà Nội về cơ sở vật chất nếu đòi hỏi có những công trình văn hóa hoành tráng thì không thể, nhưng để phát triển mặt bằng chung văn hóa con người thành phố và nét đặc trưng riêng của TP thì hoàn toàn có thể.

Trong những điều kiện có thể này nếu nhìn lại để so sánh giữa phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa thì rõ ràng rằng phát triển văn hóa chưa thật sự được quan tâm đúng tầm, ít ra thì cũng ngang bằng với phát triển… cầu, đường.

Một thành phố văn minh, hiện đại, hoành tráng về cơ sở vật chất, hào nhoáng những công trình cầu, đường nhưng người dân không được hưởng phúc lợi văn hóa và nhận thức văn hóa không được nâng lên thì rõ ràng có một độ vênh nguy hiểm

Điều này có thể thấy trong sinh hoạt hàng ngày, cách ứng xử giữa người và người, giữa giới trẻ hiện nay và người lớn tuổi, giữa thầy và trò… rồi sự xuống cấp trong văn hóa giao thông, đèn đỏ vẫn cứ ngang nhiên vượt qua, cách ứng xử thô bạo khi xảy ra va quẹt xe, tài xế, lơ xe, tiếp viên xe buýt gây gổ, đánh đập hành khách, không dừng lại trạm rước người tàn tật…

Nhiều hiện tượng xem thường luật pháp, an ninh trật tự xã hội có vấn đề, côn đồ ngang nhiên bẻ kiếng chiếu hậu ô tô khi dừng đèn đỏ hoặc kẹt trong dòng xe dày đặc, đối tượng xì ke ma túy dùng kim tiêm xông vào nhà dân đe dọa cưỡng đoạt tài sản, bọn chăn dắt hành hạ trẻ em buộc ăn xin, cảnh lừa đảo nhắm vào lòng từ thiện của mọi người giữa phố, cảnh người cô thế bị ức hiếp, nạn rải đinh vẫn chưa giải quyết triệt để.

Đó chẳng phải là một bức tranh văn hóa xuống cấp rất đáng quan tâm? Và rất cần “cái phanh hãm” khi phát triển giữa kinh tế và văn hóa không đồng bộ? Khi về nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, với vị thế lãnh đạo cao nhất của thành phố ông Đinh La Thăng đã tạo ra một bước chuyển động khá mạnh mẽ, đột phá nhiều khâu, nhiều lãnh vực còn trì trệ để thành phố có sự thay đổi, chuyển biến giống như một làn gió mới làm nức lòng dân.

Và mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy mong muốn đưa Sài Gòn trở lại vị thế của “Hòn ngọc Viễn Đông” như đã từng được các nước trong khu vực và thế giới công nhận

Ý tưởng này cũng đã thổi một làn gió mới làm nức lòng dân thành phố. Ý tưởng đã có, chỉ đạo đã có, vấn đề còn lại quyết tâm thực hiện ra sao và thời gian nhanh, chậm thế nào để “cái phanh hãm” từ bao lâu nay không còn làm trì trệ sự phát triển của thành phố. Và cũng rất mong, khi “cái phanh hãm” không còn thì phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, hai lãnh vực này không còn “độ vênh” đáng lo ngại như hiện nay.

Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái phanh hãm & độ vênh văn hóa