Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, để thực hiện thành công chương trình cải tạo chung cư cũ, quan trọng nhất vẫn là là sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, yếu tố hết sức quan trọng là phải minh bạch, công khai các vấn đề liên quan đến cải tạo, sữa chữa, xây dựng chung cư cũ.
Đây là nội dung tại hội thảo “Cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ – thực trạng và giải pháp” do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức vừa mới diễn ra.
Nguy hiểm rình rập
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, trong nhiều năm qua với mong muốn cải thiện, nâng cao chất lượng nhà ở của người dân, chỉnh trang đô thị, TP.HCM đã triển khai chương trình cải tạo, xây dựng mới để thay thế chung cư cũ, hư hỏng.
Kết quả, đã có 32 chung cư với quy mô 207.635 m2đã được tháo dỡ; di dời tổng cộng 4.232 hộ dân. Thành phố cũng xây mới 39 chung cư với quy mô 470.000 m2để bố trí tái định cư.
Tuy nhiên, TP vẫn còn 474 chung cư được xây dựng trước năm 1975 với quy mô 1,8 triệu m2xây dựng và 27.200 hộ chưa được di dời, tập trung ở quận 1; 3; 5; 10, Bình Thạnh. Các chung cư này đang xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng không đảm bảo.
Trong khi đó, công tác kêu gọi xây dựng các chung cư cũ xuống cấp hiện đang gặp nhiều khó khăn do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hồ sơ pháp luật và các căn hộ chung cư của người dân đều nhỏ nên khó khăn cho công tác bố trí tái định cư của nhà đầu tư.
Không những vậy, ông Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Tổ chức Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCMcho rằng 474 chung cư nêu trên đều xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Chưa kể, hầu hết các chung cư cũ đều không đảm bảo về PCCC như thiếu lối thoát khi hỏa hoạn xảy ra; không đảm bảo ngăn cháy, thoát khói khi xảy ra cháy, nổ; hệ thống điện câu mắc không đảm bảo an toàn về PCCC.
Nhiều chung cư không có bãi để xe nên hầu hết các xe được bố trí để ở các lối đi, lối thoát nạn, do đó rất nguy hiểm khi xảy ra cháy, nổ. Đáng lo ngại là các chung cư này không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; nhiều chung cư không thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, không có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thiếu cơ chế, không thu hút nhà đầu tư
Theo ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP, dù thực trạng có nhiều vấn đề như vậy nhưng việc cải tạo, xây mới chung cư cũ vẫn còn nhiều thách thức. Nổi bật ở đây là một số cơ chế chính sách chưa rõ ràng nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như phương thức tính tiền sử dụng đất, về giá thỏa thuận đối với phần diện tích dôi dư, hay hộ ghép, hệ số sử dụng đất theo quy hoạch chưa hấp dẫn, thủ tục còn kéo dài, phức tạp.
Đáng chú ý, ông Kiên nói hiện nhu cầu, nguyện vọng của người dân sống trong các chung cư cũ đều mong muốn được quan tâm xem xét giải quyết về chính sách tái định cư tại chỗ sau khi các chung cư được cải tạo, xây mới.
Chính vì vậy, TP cần giải quyết các yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân như thông tin rõ ràng, minh bạch về các quyền lợi mà người dân được hưởng; có phương thức ổn định cuộc sống của người dân.
Cũng theo Phó Chủtịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa thì sự đồng thuận của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công, Ngoài ra ông cũng khẳng định làkhông thể sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình. Vì thế, rất cần sự chia sẻ của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư cũ thì chương trình này mới đảm bảo thực hiện thành công.
Đề cập đến giải pháp thực hiện, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nói để thực hiện thành công chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, giải pháp chính là phải thực hiện chủ trương xã hội hóa. Do đó, rất cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực và các trách nhiệm với xã hội tham gia chương trình này.
Trước các ý kiến trên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị khi triển khai chương trình cần quan tâm đến tỷ lệ dân số để chỉnh trang đô thị khu vực, tính toán độ cao của chung cư để thu hút nhà đầu tư tham gia. Đồng thời, TP cũng cần quan tâm lợi thế khu vực như kinh phí thực hiện, lợi thế đất của người dân đem lại cho doanh nghiệp và ngược lại. Ngoài ra, phải đưa ra các gói chính sách để làm sao người dân có nhiều sự lựa chọn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Giải pháp toàn diện là gắn với công ăn việc làm, an ninh trật tự, học hành, đi lại của người dân.
Phan Diệu