Việc cấm hình thức đi chung xe của những loại xe hợp đồng, trong đó bao gồm cả Uber và Grab của UBND thành phố Hà Nội hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lựa chọn của người dân.

Cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab: Sự thụt lùi trong quản lý

tuyetnhung | 18/07/2017, 17:22

Việc cấm hình thức đi chung xe của những loại xe hợp đồng, trong đó bao gồm cả Uber và Grab của UBND thành phố Hà Nội hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lựa chọn của người dân.

Ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) "tuýt còi" các hình thức đi chung của Uber và Grab, Hà Nội mới đây đãra văn bản yêu cầu các đơn vị không áp dụng hình thức này đối với những loại xe hợp đồng.

Cụ thể, quy định đưa ra yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Quyết định này của thành phố Hà Nội hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa số các ý kiến được ghi nhận đều cho rằng quyết định đang can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab là một lợi thế ưu việt của xe hợp đồng điện tử mà taxi truyền thống không thể có được. Lợi ích cho hành khách (chia sẻ tiền cước) và môi trường (ít xe lưu thông hơn) là rõ ràng.

"Quyết định cấm hình thức này thể hiện sự can thiệp thiếu cơ sở, một minh chứng cho thấy cơ quan quản lý không hề nắm bắt được những khuynh hướng tiến bộ mà công nghệ mang lại cho xã hội, hoặc vấn đề dường như đã bị thao túng bởi lợi ích nhóm của taxi truyền thống, cố tình kéo lui sự phát triển", TS Thành nhìn nhận.

TS Thành chỉ ra trong khi đó, tại chuyến thăm Mỹ mới đây, trong cuộc gặp với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ (có lãnh đạo cao cấp của Uber), Thủ tướng đã cam kết sẽ tạo điều kiện để Uber tự do phát triển tại Việt Nam theo cơ chế thị trường cũng như khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới.

"Xe hợp đồng điện tử chính là một giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Nhờ có sự tiện dụng và tiết kiệm chi phí của xe hợp đồng, nhiều người trong thành phố đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành. Đây chính xác là một lợi thế to lớn mà những người quản lý đô thị cần nhận ra và hướng tới", TS Thành cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: "Bất cập của việc cấm hình thức đi chung xe của xe chạy hợp đồng chính là nằm ở chính sách quản lý xe chạy hợp đồng của Bộ GTVT tại Thông tư 63 và 46.Theo tôi, nên có sự gia hạn số lượng các điểm đón trả khách của xe hợp đồng, không nên cấm. Nếu một hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng thì cần phải có hành lang pháp lý để tồn tại. Còn trên thế giới, các nước phát triển đã áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng điện tử từ lâu".

Ông Liên cũng cho biết hiện nay, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vẫn chưa có đánh giá, khảo sát về những lợi ích và bất cậpcủa dịch vụ đi chung xe của xe hợp đồng điện tử, nhưng nếu như chính sách quản lý của Bộ GTVT không được xem xét lại thì quy định cấm dịch vụ này chỉ là "một sớm một chiều".

Dưới góc độ pháp lý, một luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng hợp đồng đi chung xe là sự thỏa thuận giữa người lái xe và khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý với hợp đồng này thì đồng nghĩa với việc họ chấp nhận có những người khách khác sử dụng chung dịch vụ. Điều này phù hợp với nguyên tắc của Luật Dân sự.

Theo đó, nếu tồn tại những bất cập trong hình thức đi chung xe của xe hợp đồng điện tử thì cần phải xem xét lại về mặt chính sách, cụ thể là Thông tư 63 của Bộ GTVT.

Trước đó vào tháng 5 vừa qua, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

Tuy nhiên, dịch vụ này đã bị Bộ GTVT ngăn cấm vì cho rằng không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như để phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
YouTuber đình đám gọi Ai Pin là ‘sản phẩm tệ nhất từng đánh giá’, gây bão mạng xã hội X
YouTuber Marques Brownlee chê bai thậm tệ Ai Pin, thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty khởi nghiệp Humane, mà anh đặt tiêu đề video là "Sản phẩm tệ nhất mà tôi từng đánh giá đến hiện tại".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
4 giờ trước Tài chính và đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab: Sự thụt lùi trong quản lý