Từ Gia Thốn từng là cán bộ cấp cao của Trung Quốc trốn qua Mỹ. Khi chết nơi xứ người, ông ta đem theo nhiều bí mật quốc gia xuống mồ vì đã hứa với Đặng Tiểu Bình và không chịu bán bí mật để được tị nạn ở Mỹ.
Báo The New York Times (Mỹ) ngày 28.7 (giờ địa phương) đã tiết lộ nhiều chi tiết về cuộc đào thoát táo bạo của Từ Gia Thốn, người từng là trưởng phân xã của Tân Hoa Xã ở Hồng Kông từ năm 1983 đến năm 1989.
Lương Chấn Anh là cán bộ bí mật của Trung Quốc?
Khi ấy, Hồng Kông vẫn là nhượng địa Anh nên Từ Gia Thốn được xem là đại diện của Bắc Kinh mãi cho đến khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc hồi năm 1997. Văn phòng Tân Hoa Xã được xem quan trọng tương đương sứ quán.
Theo ông Kim Kiến Nhất, người có cha là Kim Nghiên Như, chủ báo Văn Hối (thân Bắc Kinh) và cũng là bạn cũ của Từ Gia Thốn, trong một cuộc gặp vào đầu thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình gợi ý Từ Gia Thốn nên tiếp tục làm trưởng phân xã dù lúc ấy ông đã đến tuổi hưu trí.
Từ Gia Thốn có nhiều bạn ở Hồng Kông, trong đó có nhiều doanh nhân vốn lo ngại chuyện Anh trao trả xứ nhượng địa cho Trung Quốc.
Theo báo The New York Times, trong cuộc trả lời phỏng vấn, Martin Lee, người sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông, cho biết ông đã gặp Từ Gia Thốn nhiều lần. Ông kể lần nọ hai người ăn trưa, Từ Gia Thốn nói đừng quá lo sợ chuyện Hồng Kông trở về Trung Quốc.
Từ Gia Thốn cho biết Bắc Kinh đã đưa khoảng 50.000 người đến làm việc ở các cơ quan công quyền và ngành nghề. Nếu Anh rút trước khi trao trả, những người ấy sẽ nắm quyền lực.
Lee nói xem ra lúc đó Từ Gia Thốn trấn an, “nhưng nay tôi nghĩ người Trung Quốc đang nắm quyền ở đây. Một người trong số họ là một cán bộ bí mật của Trung Quốc”, ý nói đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người đã khẳng định ông không phải đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ Los Angeles (Mỹ), Kim Kiến Nhất nói với New York Times: Từ Gia Thốn có tư tưởng thoáng, nhưng kết thân bạn bè cũng là một nhiệm vụ của trưởng phân xã.
Luật sư Martin Lee kể: “Từ Gia Thốn khuyến khích ông và nhà hoạt động công đoàn Tư Đồ Hoa lập đảng chính trị. Và khi trò chuyện với Tư Đồ Hoa, Từ Gia Thốn nói điều ông ta không nói với tôi, đó là Tư Đồ Hoa không phải lo chuyện tiền bạc. Dĩ nhiên, ngày nay các đảng thân Bắc Kinh ở Hồng Kông đều được Trung Quốc cấp tiền gián tiếp, thông qua các doanh nhân”.
Góp ý với Triệu Tử Dương cách giải quyết vụ Thiên An Môn năm 1989
Sau sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6.1989, Tư Đồ Hoa bắt đầu kịch liệt chỉ trích chính quyền Trung Quốc.
Kim Kiến Nhất kể vào lúc phản đối bùng nổ khắp Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn, Tổng bí thư Triệu Tử Dương đã yêu cầu Từ Gia Thốn lấy quan điểm Hồng Kông để đánh giá cách phản ứng tốt nhất cho chính phủ đối với các cuộc biểu tình.
Từ Gia Thốn báo cáo với Triệu Tử Dương rằng cần phải có giải pháp hòa bình. Triệu Tử Dương đồng ý nhưng phe cứng rắn, trong đó có Đặng Tiểu Bình, đã bác và cách chức Triệu Tử Dương, sau đó áp lệnh quản thúc tại gia đối với Triệu Tử Dương.
Sau này, Triệu Tử Dương xuất hiện lần cuối ở vai trò lãnh đạo cấp cao tại Thiên An Môn để tỏ bày hối tiếc. Ông nói khéo với những người phản đối rằng “ông đến quá trễ”.
Năm 1989, Từ Gia Thốn ở tuổi 73 đã xin từ chức nhưng ông bị cách chức. Đến đầu năm 1990, người khác thay ông làm trưởng phân xã Tân Hoa Xã ở Hồng Kông. Từ Gia Thốn về Thẩm Quyến (sát Hồng Kông) trong thời gian chờ Bắc Kinh xem xét số phận nhưng rồi ông tự quyết lấy số phận mình.
Triệu Tử Dương đến gặp những người phản đối trong vụ Thiên An Môn - Ảnh: South China Morning Post
Đào thoát đúng thời điểm Từ Gia Thốn sắp bị thu hồi visa công vụ
Kim Kiến Nhất nói đây là lần đầu tiên ông công bố chi tiết vụ giúp Từ Gia Thốn đào thoát qua Mỹ. Vai trò giúp Từ Gia Thốn bỏ trốn của Kim Kiến Nhất được Hà Tần (chủ nhà xuất bản Tập đoàn truyền thông Minh Kính ở New York) xác nhận.
Khoảng 20 giờ tối 30.4.1990, Từ Gia Thốn bất ngờ rời văn phòng Tân Hoa Xã ở Thẩm Quyến với lý do đi dạo. Ông đi tay không, chẳng đem theo hành lý.
Còn theo một người thân trong gia đình, Từ đội mũ lưỡi trai để giấu mặt, vượt biên sang Hồng Kông. Ông đi xe lửa đến trạm nọ rồi đi bộ một quãng đến chỗ Kim Kiến Nhất đang đậu xe chờ.
Cùng tối đó, có lệnh từ Bắc Kinh truyền đến văn phòng Tân Hoa Xã ở Thẩm Quyến phải lập tức thu hồi hộ chiếu của Từ Gia Thốn.
Tại Hồng Kông, Từ Gia Thốn viết một bức thư gởi Đặng Tiểu Bình hứa sẽ không tiết lộ bất kỳ bí mật nào.
Tiếp đó, lãnh sự quán Mỹ cấp visa cho Từ Gia Thốn, giúp ông có vé máy bay đáp chuyến cuối cùng sang Mỹ.
Theo Kim Kiến Nhất, người gửi thư hộ Từ Gia Thốn, Từ Gia Thốn báo trước với Mỹ rằng ông sẽ không cung cấp thông tin bí mật của Trung Quốc để được tị nạn. Kim Kiến Nhất nói: “Họ chẳng thu được gì từ ông ấy. Họ cho ông ấy tị nạn trên tinh thần nhân đạo”.
Theo Hà Tần, ngoài việc Từ Gia Thốn hy vọng gia đình còn ở lại Trung Quốc sẽ được đối xử nhẹ nhàng nếu ông giữ lời hứa giữ bí mật, việc ông không bán thông tin bí mật là vì ông còn là một đảng viên trung tín: “Ông ấy luôn tin lý tưởng của đảng là đứng đắn dù đảng phạm sai lầm”.
Lời hứa giữ bí mật quốc gia được Từ Gia Thốn đem xuống mồ ở Mỹ
Theo New York Times, Từ Gia Thốn đã giữ lời hứa nhưng Trung Quốc chẳng bao giờ cho phép ông thực hiện mơ ước được chôn ở quê nhà. Ông bị khai trừ đảng năm 1991 và bị cấm hồi hương.
Hồi tháng 6.2014, trả lời phỏng vấn của đài RTHK, Từ Gia Thốn xin Trung Quốc cho ông về nước vì “điều kiện đã chín muồi” nhưng ông không thể chờ lâu vì đã cao tuổi: “Tôi chào đời ở Trung Hoa, là người Trung Quốc… Dù gì thì lá phải rụng về cội”.
Từ Gia Thốn năm 2014 ở Mỹ - Ảnh: South China Morning Post
Năm 2015, khi mừng sinh nhật 99 tuổi ở Mỹ, Từ Gia Thốn lại bày tỏ mong ước được về nước để ông mời gia đình và bạn bè đến nhà thưởng thức món cua.
Tuy nhiên, trong bài điếu văn đọc ở lễ tang Từ Gia Thốn, Hà Tần nói chính quyền Trung Quốc chỉ cấm Từ Gia Thốn về nước khi còn sống và đã nhắn gửi thông tin rằng có thể chôn cất ông ở Trung Quốc.
Sau 26 năm sống lưu vong ở Mỹ, Từ Gia Thốn qua đời ngày 29.6.2016, thọ 100 tuổi. Đầu năm này, ông phải vào bệnh viện ở Los Angeles vì bệnh suy tim và suy thận trầm trọng.
Các trang tin của Hoa kiều ở nước ngoài đăng ảnh vòng hoa tang do các gia đình chính khách Trung Quốc gởi đến kính viếng, trong đó có gia đình Triệu Tử Dương. Nhưng cái chết của Từ Gia Thốn không được chính thức công nhận ở Trung Quốc. Tạp chí Tài Tân có đưa tin buồn trên trang điện tử của họ rồi gỡ xuống.
Từ Gia Thốn từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Giang Tô
Từ Gia Thốn sinh ngày 10.3.1916, là một trong 5 người con của một công chức chính quyền cấp thấp và mẹ làm nội trợ.
Lúc 22 tuổi, Từ Gia Thốn được kết nạp đảng và 10 năm sau làm chính trị viên trong một đơn vị cách mạng thời Mao Trạch Đông. Sau cuộc cách mạng 1949, ông là cán bộ ở Nam Kinh.
Thời Cách mạng Văn hóa, như nhiều cán bộ khác, ông bị kỷ luật, nhưng sau này ông làm Bí thư tỉnh ủy Giang Tô, nơi ông nổi tiếng có công xây dựng doanh nghiệp địa phương theo mô hình tư bản.
Vợ Từ Gia Thốn là Cố Nhất Bình, vẫn ở lại Nam Kinh và qua đời năm 2004. Vợ chồng ông có 5 con gái, 3 con trai, 9 cháu và nhiều chắt.
Trung Trực (theo New York Times)