Người dân cần cảnh giác trước những cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu thanh toán số tiền còn thiếu liên quan đến BHXH…
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong đó có BHXH tỉnh Tiền Giang, đã nhiều lần cảnh báo về việc một số kẻ giả danh viên chức ngành BHXH để gọi điện thoại trực tiếp cho người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Ngoài ra, chúng cũng tạo các trang Fanpage Facebook, Zalo giả mạo ngành BHXH nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cơ quan chức năng cho biết tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra ở một số địa phương với các hình thức khác nhau.
Cụ thể, mới đây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, kẻ xấu sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau nhắn tin cho người dân, người lao động, giả danh Cổng thông tin BHXH Việt Nam, yêu cầu thanh toán số tiền còn thiếu liên quan đến BHXH và đe dọa ngừng các dịch vụ, quyền lợi, nghĩa vụ hoặc trợ cấp từ phía cơ quan BHXH.
Theo cơ quan chức năng, đây chỉ là hành vi mạo danh nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia. BHXH tỉnh Tiền Giang thông báo đến các sở ban ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT; các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN; người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh đề cao cảnh giác, bỏ qua những tin nhắn yêu cầu thanh toán tiền liên quan đến ngành BHXH.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nên kết bạn Zalo, không gọi điện xác nhận, không trả lời tin nhắn, không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân, nhận diện khuôn mặt... cho người lạ để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.
Trước tình hình trên, Bộ TT-TT khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo trên, nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới nhất và cách phòng tránh.
Nếu nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến BHXH, người dân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH qua số điện thoại và địa chỉ email chính thức để xác minh thông tin. Tránh nhấp vào liên kết hoặc gọi theo số điện thoại được cung cấp trong các thông báo nghi ngờ.
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua email, tin nhắn, hoặc điện thoại trừ khi bạn đã xác minh chắc chắn đó là nguồn tin đáng tin cậy.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Giả danh nhân viên cơ sở đăng kiểm
Theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, xuất hiện một số kẻ mạo danh cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam, sở GTVT, lãnh đạo hoặc nhân viên cơ sở đăng kiểm gọi điện đến chủ phương tiện.
Chúng thông báo ô tô hết hạn kiểm định cần phải gia hạn đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam thay đổi mẫu tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định, đề nghị chủ phương tiện cập nhật mẫu tem và giấy chứng nhận kiểm định mới…
Theo cơ quan chức năng, căn cứ các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm định xe cơ giới, hiện mọi thủ tục hành chính và kiểm định phương tiện xe cơ giới đều được thực hiện tại các cơ sở đăng kiểm. Tất cả khoản thu về giá dịch vụ, phí, lệ phí đều phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.
Sở GTVT, các cơ sở đăng kiểm không thực hiện bất kỳ cuộc gọi điện thoại nào đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ TT-TT khuyến cáo các chủ phương tiện không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, không truy cập các đường link hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc. Khi có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến đăng kiểm, người dân nên trực tiếp đến các cơ sở đăng kiểm hoặc liên hệ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.